Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 7/6: Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép sụt giảm mạnh, thị trường hạ nhiệt

DNVN - Phiên giao dịch đầu tuần khép lại với sắc đỏ bao trùm thị trường. Theo đó, VN-Index đóng cửa giảm 15,27 điểm (1,11%) xuống 1.358,78 điểm; HNX-Index giảm 3,38% xuống 318,63 điểm và UPCom-Index giảm 1,69% xuống 89,06 điểm.

Những mã cổ phiếu hấp dẫn đáng đầu tư dài hạn / Định giá cổ phiếu Hoa Sen Group HSG ở mức hấp dẫn

Một phiên giao dịch nhuốm sắc đỏ nhưng tình trạng "trắng bên mua" đã không xảy ra, lực cầu quá mạnh kéo thị trường tăng điểm trở lại so với cuối phiên giúp kết thúc phiên tạo mẫu hình điều chỉnh, chứ chưa phải là phiên rũ bỏ hay đảo chiều xu hướng.

Diễn biến đáng chú ý nhất phiên hôm nay là dòng tiền rất nhanh tìm điểm cân bằng. Các mã đã tăng mạnh trước đó hầu hết điều chỉnh giảm, tập trung vào ngân hàng, chứng khoán, và thép, nhưng phần còn lại không quá bi quan. Điều này cho thấy các nhà đầu tư cũng quan ngại nhất định về dòng tiền nóng tập trung ở nhóm này, và bán chủ động. Tuy nhiên, lực cầu vẫn xuất hiện mạnh với 3 nhóm ngành trên phản ánh xu hướng kỳ vọng sau phiên điều chỉnh hôm nay giá còn tăng.

Cung thắng cầu ở mức chênh lệnh không lớn giúp tình trạng bán tháo không diễn ra ở các mã trụ, đặc biệt là ngân hàng khiến thị trường không rơi vào hiệu ứng bầy cừu, bán tháo ồ ạt mọi mã. Thị trường đã có những tín hiệu tích cực khi dòng tiền chảy mạnh và hướng tới nhóm cổ phiếu ngân hàng giúp các mã thu hẹp biên độ, không còn mã nào nằm sàn. Điều này giúp nhà đầu tư kỳ vọng vào kịch bản cũ sẽ lặp lại, rằng thị trường sẽ sớm có cú hồi.

Các công ty chứng khoán đã có thông báo về việc cấm sửa, hủy lệnh trong phiên để làm giảm tình trạng nghẽn thị trường, tuy nhiên, HOSE vẫn có một ngày giao dịch “quá đơ” khi biểu đồ điểm liên tục đi ngang, các cổ phiếu đều đỏ khi điểm vẫn xanh và sau đó sụt hơn 20 điểm gần trưa. Trên trang cá nhân, GS Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh Quốc) đưa dòng trạng thái: "Khi thị trường tăng, người ta còn khen giải pháp không cho sửa hủy lệnh, khi thị trường giảm, nhà đầu tư sẽ tự thấy vấn đề".

Vấn đề chính là lệnh MP, khi các lệnh còn lại bị chốt cứng thì chỉ còn lệnh MP (mua/bán mọi giá) cho phép thay đổi mức giá để giao dịch được thực hiện. Khi thị trường giảm quá nhanh, để đảm bảo việc bán ra thành công thì lệnh MP là ưu tiên lựa chọn, khi cùng lúc nhiều lệnh này xuất hiện thì lực bán ra tăng mạnh hơn rất nhiều ép giá cổ phiếu giảm nhanh hơn đúng ra nó phải có. Tình trạng còn tồi tệ hơn khi bảng điện tử hiển thị không đúng làm xuất hiện khái niệm "đánh cờ mù", nhà đầu tư không biết giá khớp hiện tại là bao nhiêu, lượng mua bán đang thế nào nên khi đã quyết mua, quyết bán cũng lại dùng lệnh MP để đạt mục tiêu (trừ giá mua/bán).

Quay lại phiên giao dịch, chốt phiên, sàn HOSE có 157 mã tăng và 265 mã giảm, VN-Index giảm 15,27 điểm (-1,11%), xuống 1.358,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 876,69 triệu đơn vị, giá trị 28.922,37 tỷ đồng, giảm 6,76% về khối lượng và 7,13% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 4/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,57 triệu đơn vị, giá trị 1.383,85 tỷ đồng.

Sắc đỏ vẫn bao trùm nhóm cổ phiếu ngân hàng nhưng đà giảm đã thu hẹp đáng kể so với cú sụt giảm vào phiên sáng, điển hình như LPB sau khi dư bán sàn gần 5 triệu khi chốt phiên sáng, sang phiên chiều đã được hấp thụ hết và kết phiên giảm 6%, đứng ở mức 31.400 đồng/cổ phiếu; MSB cũng thoát sắc xanh mắt mèo và kết phiên giảm 4,9% xuống 28.900 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, các mã khác như VCB, BID, CTG, ACB, TCB… cũng đồng loạt bật ngược đi lên. Điểm sáng là VPB nhanh chóng đảo chiều trong phiên chiều và là mã duy nhất có được sắc xanh khi đóng cửa tăng nhẹ 0,4% lên mức cao nhất ngày 72.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, thanh khoản cũng tăng vọt và tiếp tục dẫn đầu sàn HOSE với gần 45,65 triệu đơn vị.

Các mã khác như STB, MBB, LPB, TCB, ACB, CTG cũng có khối lượng khớp lệnh một vài chục triệu đơn vị. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn giảm sâu và hàng loạt mã nằm sàn như AGR, APS, CTS, BVS; các cổ phiếu thép cũng đồng loạt giao dịch trong sắc đỏ.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản là điểm sáng của thị trường. Bên cạnh các mã lớn và bluechip như VHM, VIC, VRE, PDR đóng vai trò hỗ trợ thị trường, nhiều mã vừa và nhỏ đã có phiên giao dịch khởi sắc. ITA tăng 3,5% lên 7.710 đồng/cổ phiếu và khớp 22,53 triệu đơn vị; SCR tăng 6,5% lên mức giá trần 10.450 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 22 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần gần 8,2 triệu đơn vị, HBC tăng 2,6% lên 15.600 đồng/cổ phiếu, KBC tăng 1% lên 35.850 đồng/cổ phiếu.

Trên sàn HNX, thị trường không có nhiều biến động khi lực bán mạnh vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn. Đóng cửa, sàn HNX có 102 mã tăng và 119 mã giảm, HNX-Index giảm 11,13 điểm (tương đương 3,38%) xuống 318,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 224 triệu đơn vị, giá trị 5.459,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,39 triệu đơn vị, giá trị hơn 100 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn đóng vai trò là gánh nặng chính của thị trường. Trong đó, đáng kể các mã lớn như SHB giảm 7,7% xuống mức thấp nhất ngày 30.000 đồng/cổ phiếu, BAB giảm 6,6% xuống 28.300 đồng/cổ phiếu, SHS giảm 9,2% xuống 37.500 đồng/cổ phiếu, VND giảm 5,6% xuống 57.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, SHB vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 36 triệu đơn vị.

Giao dịch khối ngoại cũng không mấy tích cực khi họ tiếp tục bán ròng khá mạnh với giá trị 650 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán của khối ngoại tập trung vào HPG (-527 tỷ đồng), VIC (-225 tỷ đồng), VPB (-123 tỷ đồng). Trên HoSE, khối ngoại bán ròng 13,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 660,2 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng 1,04 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 43,83 tỷ đồng. Trên UPCom, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp với giá trị 54 tỷ đồng.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm