Chứng khoán

Thông tin thị trường đáng chú ý trước phiên giao dịch ngày 28/6

DNVN - Hãng tin Reuters trích dẫn báo cáo “Triển vọng đầu tư châu Á-Thái Bình Dương” kỳ mới nhất do Văn phòng Giám đốc Đầu tư quản lý tài sản của UBS phát hành cho biết, mặc dù kinh tế Trung Quốc dẫn đầu phục hồi trong dịch bệnh, nhưng sẽ gặp thách thức trong nửa cuối năm 2021.

Quỹ đầu tư ETF của Anh mới tập trung vào 5 nước Châu Á, trong đó có Việt Nam / Chủ tịch Ủy ban chứng khoán: 'Chúng tôi nợ nhà đầu tư lời xin lỗi'

Kinh tế Trung Quốc đối diện áp lực suy giảm trong nửa cuối năm 2021

Hãng tin Reuters trích dẫn báo cáo “Triển vọng đầu tư châu Á-Thái Bình Dương” kỳ mới nhất do Văn phòng Giám đốc Đầu tư quản lý tài sản của UBS phát hành cho biết, mặc dù kinh tế Trung Quốc dẫn đầu phục hồi trong dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2020 và nửa đầu năm nay, nhưng sẽ gặp thách thức trong nửa cuối năm 2021.

Theo UBS, Chính phủ Trung Quốc sẽ chuyển sang hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế thực có mục tiêu hơn trong nửa cuối năm 2021, những biện pháp đã công bố hoặc có thể ban hành, bao gồm Ngân hàng trung ương bơm thanh khoản cho thị trường, có thể sẽ chuyển sang mức dương từ cơ bản cân bằng trong quý II để kiểm soát lãi suất tăng đột ngột, mở rộng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, kiểm soát giá hàng hóa chiến lược. Báo cáo cho rằng, tuy Chính phủ Trung Quốc có một số biện pháp nới lỏng mang tính mục tiêu, nhưng Chính phủ có thể sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách bất động sản và các nền tảng tài chính của chính quyền địa phương để ổn định nợ. Năm 2020, nợ của Trung Quốc tương đương khoảng 295% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng 20 điểm phần trăm tính theo năm, nguyên nhân do nợ của chính phủ, doanh nghiệp và gia đình đều tăng nhanh trong thời kỳ dịch bệnh xuất phát từ sự nới lỏng khá mạnh.

Báo cáo cho rằng, Trung Quốc quyết tâm sẽ duy trì tỷ lệ đòn bẩy dưới 300% vào cuối năm nay, do đó tầng lớp lãnh đạo một lần nữa nhấn mạnh đến tính cần thiết của việc ổn định nợ. Báo cáo dự báo, mặc dù quy mô phát hành nợ của chính quyền địa phương đã chậm lại đáng kể từ tháng 4 dưới yêu cầu nghiêm ngặt hơn, nhưng các hoạt động phát hành nợ có liên quan trong nửa cuối năm vẫn sẽ được đẩy nhanh, vì tính đến cuối tháng 5 mới chỉ sử dụng 20% hạn mức phát hành trái phiếu 4.470 tỷ NDT (689,7 tỷ USD). Tín dụng quý III năm nay sẽ duy trì tốc độ tăng tương đối chậm và ổn định trong quý IV, dự kiến mức phát hành trái phiếu cả năm sẽ tăng khoảng 11%.

Mặc dù tồn tại thách thức trong thời gian tới, song UBS cho rằng, tăng trưởng tín dụng ổn định và chính sách nới lỏng sẽ giúp kinh tế Trung Quốc duy trì tăng trưởng. Sau khi đạt mức tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm, dự báo mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong cả năm 2021 sẽ chậm lại còn 5-6%.

Long An dẫn đầu thu hút FDI trong nửa đầu năm

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 15 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt hơn 9 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo địa bàn đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,57 tỷ USD, chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,43 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư. Cần Thơ đứng thứ ba với 1,32 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội,…

Bắc Giang đưa công nhân ngoài tỉnh trở lại làm việc

Lao động ngoài tỉnh trở lại Bắc Giang làm việc phải chủ động liên hệ với cơ sở y tế để xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR. Ngày 24/6, tỉnh Bắc Giang chấp thuận cho doanh nghiệp đón lao động ngoài tỉnh trở lại làm việc, sau hơn một tháng phải nghỉ vì dịch bệnh bùng phát. Sở Lao động Thương binh và Xã hội điều phối các hoạt động này.

Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu cuối tháng 7 đưa hơn 30.000 lao động đi làm trở lại và cuối năm đạt 120.000 người tại bốn khu công nghiệp. Dự kiến đầu tháng 7, có 400 công ty sản xuất trở lại.

Trong gần một tháng khôi phục hoạt động bốn khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, tỉnh Bắc Giang đã thẩm định và chấp thuận cho 153 doanh nghiệp với gần 24.000 lao động đi làm. Đến nay, 86 công ty với xấp xỉ 16.000 công nhân đã trở lại làm việc. Số lao động này đạt tỷ lệ gần 11,4% trong tổng số 140.000 công nhân tại đây.

Đắk Lắk đề nghị bổ sung gấp 3 lần sản lượng điện gió vào quy hoạch điện VIII

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Công Thương đề nghị bổ sung thêm công suất điện gió của địa phương vào quy hoạch điện VIII. Cụ thể, Đắk Lắk đề xuất bổ sung 1.500MW thay vì 490MW vào giai đoạn 2021-2025, con số tương tự được đề xuất cho giai đoạn 2026-2030 thay vì 448MW như dự thảo hiện nay. Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), đơn vị tư vấn lập dự thảo quy hoạch điện VIII, dự báo tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời, mặt đất và mặt nước của Đắk Lắk có thể đạt 120.564MW và tiềm năng điện gió trên bờ là 26.921MW. Như vậy, sản lượng điện gió được đưa vào quy hoạch chưa bằng 4% so với tiềm năng của tỉnh.

Hiện Đắk Lắk có 4 đường dây 500kV, 1 trạm biến áp 500kV điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp đã vận hành vào tháng 12/2020 và 4 đường dây 220kV truyền tải chủ đạo cho khu vực Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông. Dự kiến đến tháng 10, trạm biến áp 500kV, đường dây 500kV đấu nối của dự án điện gió Ea Nam đi vào vận hành. Đây là điều kiện rất thuận lợi để gom nguồn điện gió tại khu vực, đấu nối phát triển thêm với quy mô công suất 4.000MW vào hệ thống điện quốc gia.

Trung Quốc tăng nhập khẩu hơn 81% cao su Việt Nam trong 4 tháng

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 4,25 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 705,64 triệu USD, tăng 81,6% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2021 chiếm 16,6%, tăng mạnh so với mức 11,65% của 4 tháng đầu năm 2020.

Thêm liên danh trúng thầu cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện gói XL02 thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn cho liên danh CTCP Licogi 16 - Công ty TNHH Định An - CTCP 471. Đây là gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước với giá trị trúng thầu gần 1.194 tỷ đồng (bao gồm thuế VAT và chi phí dự phòng). Thời gian thực hiện hợp đồng trong 718 ngày.

Như vậy, tính đến nay, hai trong ba gói thầu xây lắp (còn gói XL01) thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn bán hàng trăm nghìn xe VinFast tại Mỹ vào năm 2026

Sáng 24/6, Tập đoàn Vingroup (VIC) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021. Kế hoạch doanh thu 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,5%, tương ứng tổng số cổ phần phát hành dự kiến 422,8 triệu đơn vị. Sau phát hành, Vingroup sẽ tăng vốn điều lệ lên 38.052 tỷ đồng. Phương án phát hành ESOP tối đa 0,2% vốn điều lệ Vingroup, thời gian thực hiện không muộn hơn tháng 6/2022.

Ba trụ cột chính của Tập đoàn là Công nghệ - Công nghiệp – Thương mại - Dịch vụ tiếp tục được đẩy mạnh, tạo thế "kiềng ba chân" vững chãi. Mảng Công nghệ - Công nghiệp dự kiến cho ra mắt 5 mẫu xe điện và 3 mẫu xe ô tô thông minh VF e35, VF35, VF36.

Mảng thiết bị thông minh, VinSmart sẽ tập trung phát triển các sản phẩm IoT và tính năng Infotainment cho ô tô VinFast và hệ sinh thái thông minh gồm ba mũi nhọn: Thành phố thông minh, nhà thông minh và dịch vụ thông minh.

Trong lĩnh vực bất động sản nhà ở, Vinhomes tiếp tục triển khai và bàn giao các dự án đại đô thị, đẩy mạnh triển khai mô hình bán hàng đa kênh kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống, đồng thời ra mắt hoạt động kinh doanh thứ cấp, hỗ trợ người mua nhà.

Lĩnh vực bất động sản bán lẻ, Vincom Retail tiếp tục cung cấp ra thị trường gần 100 nghìn m2 diện tích sàn bán lẻ, nâng tổng diện tích mặt sàn bán lẻ trên toàn hệ thống lên 1,8 triệu m2.

Lĩnh vực du lịch – vui chơi giải trí, Vinpearl duy trì phát triển thị trường nội địa với mũi nhọn là kênh bán hàng trực tuyến và kênh doanh nghiệp. Đồng thời, công ty phát triển, mở rộng các thị trường trọng điểm nước ngoài thông qua việc triển khai hoạt động marketing, truyền thông mạnh mẽ để chuẩn bị đón đầu cơ hội ngay khi mở lại các đường bay quốc tế.

Về nguồn vốn và đầu tư, Vingroup triển khai nhiều hình thức huy động vốn trong và ngoài ước thông qua nhiều công cụ tài chính, kiểm soát hiệu quả việc đầu tư mở mới và tối ưu hoá hiệu suất sử dụng nguồn vốn để phục vụ chiến lược kinh doanh ngắn, trung và dài hạn của Tập đoàn.

Vicostone ước lãi quý II tăng 73%

Công ty Cổ phần Vicostone (Mã: VCS) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý II/2021 với tổng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt ước đạt 1.793 tỷ đồng và 528 tỷ đồng, tương ứng tăng 59,2% và 73,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, cổ đông Vicostone đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 6.797 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.919 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 20% và 15% so với kết quả thực hiện năm 2020.

Doanh thu Bách Hoá Xanh lần đầu vượt mốc 2.500 tỷ đồng trong tháng 5, tiến sát mức hòa vốn EBITDA

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2021 với doanh thu thuần hợp nhất 51.830 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 2.172 tỷ đồng, tăng 26%. Với kết quả này, MWG đã thực hiện 41% kế hoạch doanh thu năm và 46% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Tháng 5, doanh thu Bách Hoá Xanh tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng đạt hơn 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội.

Vinaconex phát hành thêm 2.500 tỷ đồng, nâng tổng nợ trái phiếu lên hơn 5.400 tỷ đồng

Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) công bố quyết định HĐQT duyệt phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu Vinaconex năm 2021 trị giá tối đa 2.500 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng tài sản, kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 10,5%/năm, các kỳ tiếp theo tính bằng tổng lãi suất tham chiếu và biên độ 4,93% (trong mọi trường hợp không thấp hơn 10,5%/năm. Kỳ tính lãi 3 tháng mỗi lần). Doanh nghiệp huy động vốn để bổ sung vốn vào hoạt động xây lắp và tăng quy mô hoạt động của Vinaconex Đầu tư và Vinaconex Xây dựng.

Trước đó, Vinaconex vừa phát hành 10 lô trái phiếu tổng trị giá 2.200 tỷ đồng vào ngày 15/6. Trái phiếu có kỳ hạn trải dài từ 30-84 tháng, lãi suất 4 kỳ đầu tiên là 8,5%/năm, các kỳ tiếp theo bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3%/năm. Mục tiêu huy động lô trái phiếu này là tài trợ cho Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex để phát triển dự án Cát Bà Amatina.

MSB ước lợi nhuận 6 tháng tăng gấp 3 lần so cùng kỳ

Trong thông báo mới đây, Ngân hàng MSB cho biết lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm ước tính đạt khoảng 2.800 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 85% kế hoạch năm 2021, mặc dù chịu tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Trước đó, lợi nhuận quí 1 đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.

“Với tình hình thực hiện đến thời điểm hiện tại và với các chiến lược phù hợp cho giai đoạn 6 tháng cuối năm kèm theo kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh, MSB hoàn toàn có thể đẩy mạnh kinh doanh để vượt kế hoạch đã đề ra”, lãnh đạo MSB cho biết.

Cổ phiếu MSB cũng vừa được cấp Margin (được phép giao dịch cho vay ký quỹ) kể từ ngày 24/6, sau khi niêm yết đủ 6 tháng và đạt một số tiêu chí khác. Trước đó, cổ phiếu MSB "lọt rổ" VN Diamond trong kỳ cơ cấu cuối tháng 4/2021 dù chưa đủ thời gian niêm yết 6 tháng, do đảm bảo được các tiêu chí khác về vốn hóa thị trường, giá trị giao dịch hàng ngày và tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm