Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nào được vay gói 300.000 tỷ đồng?

DNVN - "Với gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng của ngân hàng dành cho doanh nghiệp (DN), DN nào được vay trong gói này? Có phải là những DNNVV, những hộ kinh doanh đang lặn lội, lao đao trong dịch bệnh Covid-19 hay không, hay lại là những khách hàng "ngon" của ngân hàng, những công ty lớn, những đại công ty, những DN có vốn Nhà nước"...

VINASME hiến kế nhằm thúc đẩy Luật Hỗ trợ DNNVV thực chất, hiệu quả / VINASME và SHB thống nhất nội dung hợp tác toàn diện về hỗ trợ DNNVV

Một loạt những câu hỏi, những trăn trở nói thay tâm tư cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được Chuyên gia tài chính cao cấp Nguyễn Trí Hiếu nêu ra tại Hội nghị trực tuyến Áp dụng nền tảng số cho SMEs bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh và kết nối vốn thời Covid-19 do Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) tổ chức hôm 174 vừa qua.
Dich Covid-19 là cuộc đại khủng hoảng của thế giới, không thể so sánh với cuộc khủng hoảng nào trước đây. 2 triệu người nhiễm bệnh, 135.000 người chết. Việt Nam may mắn khi số người nhiễm thấp và chưa có người tử vong. Tuy nhiên, đại dịch này tác động mạnh đến kinh tế nước ta, trong đó những đối tượng chịu tác động rõ nhất là người nghèo, DNNVV và các hộ kinh doanh.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam đang có nhiều gói hỗ trợ cho người dân và DN. Đó là gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng của ngân hàng, gói hỗ trợ thuế 180.000 tỷ đồng của Bộ Tài chính, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội, và gói 800.000 tỷ đồng của Quỹ Phát triển DNNVV - Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
"Tổng cộng các gói này đâu đó vào khoảng 550.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 8%/GDP của Việt Nam, trong khi đó gói hỗ trợ của Mỹ chiếm 10%/GDP, Việt Nam rất tuyệt vời! Nhưng xem lại trong những gói đó, ai là người thụ hưởng? Những DNNVV được thụ hưởng bao nhiêu trong những gói đó?

Chuyên gia tài chính cao cấp Nguyễn Trí Hiếu phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Áp dụng nền tảng số cho SMEs bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh và kết nối vốn thời Covid-19.
Với gói 300.000 tỷ đồng, và tính đến hiện tại thì gói này đã lên đến 600.000 tỷ đồng theo như số liệu đăng ký từ các ngân hàng. Nhưng ai vay, DN nào được vay trong gói này? Có phải là những DNNVV, những hộ kinh doanh đang lặn lội, lao đao trong dịch bệnh hay không, hay lại là những khách hàng "ngon" của ngân hàng, những công ty lớn, những đại công ty, những DN có vốn Nhà nước. Tôi nghĩ NHNN nên có thông tin để tất cả chúng ta đều biết được ai đang được hưởng những gói này", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ trăn trở bằng một loạt câu hỏi.
Theo đánh giá của ông Hiếu, cộng đồng DNNVV hiện rất khó khăn. Mỗi ngày, ông nhận được nhiều cuộc điện thoại của các DNNVV nói rằng: chúng tôi đến hỏi ngân hàng nhưng các ngân hàng trả lời chưa có hướng dẫn, đang chờ hướng dẫn triển khai gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng. Và nhiều ngân hàng khác nói rằng hiện tại rất tiếc ngân hàng chưa thể cho DN vay vì DN không có tài sản thế chấp hay đang đóng cửa một phần nào đó...
Với gói 180.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính chủ trì để hoãn thuế, chuyên gia tài chính cấp cao này tiếp tục băn khoăn, "liệu những DNNVV đang lao đao, thì Bộ Tài chính có hoãn thuế không? Trong khi 2 tuần lễ nữa mà bệnh dịch tiếp tục, tôi nghĩ rất nhiều DN sẽ đóng cửa!".
Với gói 800.000 tỷ đồng của Bộ KH & ĐT giao cho Quỹ Phát triển DN, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, đây không phải là gói cho vay mà chỉ để hỗ trợ DN.
"Các DN ngoài kia đang lao đao, ai giúp họ? Hiện 80% các cửa tiệm bán lẻ đóng cửa. Theo khảo sát của VCCI cách đây mấy tuần, 35.000 DN Việt Nam đóng cửa. Theo tôi hiện con số này có khi đã tăng gấp đôi. Cứ theo đà này, bao nhiêu ngàn DN lao đao, khốn khó? Vậy gói hỗ trợ nào cho những DN đó?", ông Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.
Với phân tích thực trạng trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ cần có gói riêng cho DNNVV, và trị giá gói này ít nhất phải ở mức 2%GDP của Việt Nam - có nghĩa là phải lên đến 150.000 tỷ đồng. Gói này được dùng để cho DNNVV vay tiền và có thể áp dụng qua cơ chế bảo lãnh tín dụng.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trí Hiếu đề nghị, Nhà nước có những món vay nào cho các DNNVV thì hãy cho họ vay ngay để tháo gỡ khó khăn và có thời gian "ân xá" 1 năm cả gốc và lãi để khi kinh tế hồi phục DN sẽ có chương trình trả nợ.
Ông cũng đề nghị Chính phủ, NHNN nên xem xét xây dựng, thành lập ngân hàng cho các DNNVV. Ngân hàng này rất quan trọng trong thời điểm này số lượng DNNVV chiếm hơn 95% tổng số DN Việt Nam. Nếu để những DN đó biến khỏi thị trường, sụp đổ, đến lúc qua dịch bệnh chúng ta cần vực dậy nền kinh tế thì lực lượng đó đã không còn.
"Hãy giúp DNNVV, duy trì sự sống của cộng đồng DNNVV. Tôi mong muốn Hiệp hội DNNVV Việt Nam hỗ trợ kiến nghị vấn đề này để khi dịch bệnh qua đi chúng ta còn giữ vững được lực lượng của DNNVV, đưa nền kinh tế Việt Nam hồi phục", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu truyền thông điệp.
Phản biện về ý kiến của TS.Nguyễn Trí Hiếu, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, gói 300.000 tỷ đồng là gói của ngân hàng tự nguyện và dành phần vốn của mình để cho DN vay với lãi suất ưu đãi với điều kiện DN có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, DN không có tài sản đảm bảo thì phải chứng minh được dòng tiền.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, việc ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại là sự ưu ái đối với DN gặp khó khăn. DN không có khả năng trả nợ thì được kéo dài thời gian tối đa 12 tháng. Như vậy, DN đã được hưởng đặc ân đó, không phải chuyển sang nhóm nợ xấu, không bị chuyển nhóm và tiếp tục được vay vốn.
Cũng theo Nguyễn Quốc Hùng, không phải chỉ DN lớn mới tiếp cận được gói 300.000 tỷ đồng. Những DN nào chứng minh được phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, kể cả DN không có tài sản đảm bảo nhưng để ngân hàng quản lý dòng tiền thì vẫn được vay.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm