Doanh nghiệp đang làm gì để đối phó Covid-19?
Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo có được ưu tiên hơn DNNVV? / Doanh nghiệp xuất khẩu gạo được gỡ khó
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính vừa công bố báo cáo khảo sát 358 doanh nghiệp đợt 2 từ ngày 7/4-13/4/2020.
90% doanh nghiệp tìm giải pháp ứng phó Covid-19
Thời điểm khảo sát đầu tháng 3/2020 của Ban IV chỉ có 3% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì trong khảo sát lần này 52% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet để cho phép nhân viên làm việc online, hay sử dụng nền tảng internet để cung cấp dịch vụ trực tuyến như dạy học online, tư vấn online, đồng thời nhiều doanh nghiệp cũng sử dụng nền tảng internet để đẩy mạnh hoạt động marketing và bán hàng.
Cũng tương tự, đối với việc tìm khách hàng mới, tìm thị trường mới thì trong khảo sát đầu tháng 3/2020 chỉ có 7% doanh nghiệp trả lời đã chủ động tiến hành, nhưng đến khảo sát lần này tỷ lệ đã tăng lên 16%.
Một số doanh nghiệp cũng thực hiện đồng thời các giải pháp khác như chuyển hướng kinh doanh (5% số doanh nghiệp trả lời), giảm giá thành sản phẩm đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến quy trình tăng hiệu quả sản xuất (đều khoảng 4%).
Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời không có giải pháp là 10%, con số này trong khảo sát đầu tháng 3 là gần 20%.
Tuy nhiên, Ban IV cho biết, những giải pháp mang tính dài hạn và có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của doanh nghiệp như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển thì chỉ có 3% số doanh nghiệp trả lời là có áp dụng. Cũng như vậy, năng lực xây dựng phương án kinh doanh phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp cũng thấp, chỉ có 2% doanh nghiệp trả lời đã thực hiện giải pháp này.
"Đây có thể là chỉ số tham khảo cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tương đối hạn chế về mặt “chiến lược”, mọi ứng phó vẫn mang tính vụ việc, thời điểm nên thời gian tới rất cần các hỗ trợ kỹ thuật để giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt trong những lĩnh vực này", Ban IV cho biết.
Theo báo cáo trên, điều rất đáng ghi nhận trong khảo sát lần này là có sự thay đổi về nhận thức của các chủ doanh nghiệp trước vấn đề bảo vệ người lao động. Có khoảng 60% số doanh nghiệp trả lời vẫn nỗ lực đảm bảo trả lương cho người lao động, trong đó ít nhất là đảm bảo mức lương tối thiểu hoặc trả lương bình thường và duy trì lao động như hiện tại cho đến khi doanh nghiệp hết khả năng; 26% doanh nghiệp trả lời phải cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh nhưng vẫn có trả trợ cấp cho lao động.
Doanh nghiệp mong muốn điều gì từ Chính phủ?
Trong đợt khảo sát lần này, bên cạnh khảo sát các giải pháp doanh nghiệp tự triển khai để đối phó với dịch bệnh Covid-19 thì các doanh nghiệp cũng được hỏi về đề xuất, kiến nghị với Chính phủ để thực hiện 3 mục tiêu: chống dịch - chống suy thoái doanh nghiệp - chống thất nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp bày tỏ sự đồng lòng với Chính phủ trong việc kiên quyết ngăn chặn, dập dịch từ các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài và các nguồn lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện sớm đồng thời cũng thể hiện sự tích cực và chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch bệnh lây lan trong cơ sở sản xuất bằng cách tuân thủ những khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế.
Về việc chống thất nghiệp, các doanh nghiệp ủng hộ tinh thần của Chính phủ và các Bộ ngành thể hiện tại Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020. Tuy nhiên, thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và đổ vỡ, thì doanh nghiệp đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết này theo hướng có những chính sách giúp cho doanh nghiệp giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh đồng thời để duy trì việc làm cho người lao động.
Đơn cử, doanh nghiệp kiến nghị được hoãn nộp một số khoản như bảo hiểm tự nguyện, tiền đóng quỹ hưu trí và tử tuất hay phí công đoàn... trong vòng 12 tháng để có dòng tiền duy trì hoạt động, duy trì nhân sự nhằm thích nghi và tồn tại trong bối cảnh mới, thay cho chính sách vừa ban hành là người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 12 tháng nếu vì dịch bệnh mà phải cắt giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên.
Về việc chống suy thoái, các kiến nghị vẫn cơ bản xoay quanh một số vấn đề gồm: Chính phủ thực hiện chính sách riêng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, để doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và các loại thuế khác và cho phép miễn lãi suất đối việc nộp chậm thuế, đồng thời cho phép miễn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh; Hỗ trợ vốn vay ưu đãi với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch; Giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu hàng hóa khi mà nguồn cung vượt qua cầu trong nước; Đẩy mạnh việc thực hiện các thủ tục hành chính online để cắt giảm thời gian, chi phí thực sự cho doanh nghiệp.
Song song với 2 nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp đặc biệt phản ánh với Chính phủ việc thực hiện các giải pháp từ phía các Bộ còn chậm, cũng như việc tiếp cận được các nguồn vay với lãi suất thấp hay các hình thức ưu đãi tíndụng khác là còn rất khó khăn khi thủ tục thực tiễn đang rất rườm rà, phức tạp, yêu cầu các doanh nghiệp phải thế chấp hoặc chứng minh mất nhiều thời gian trong khi nguồn vốn cho việc duy trì sản xuất kinh doanh là rất cấp thiết.
Một vấn đề hết sức đáng lưu tâm trong các kiến nghị của doanh nghiệp là: Song song với chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược cùng các chính sách cho một trật tự kinh tế mới sau dịch để tận dụng tối đa các cơ hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Sao Thái Dương vinh dự đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc
Các giải pháp ứng phó Covid-19 của doanh nghiệp