Cơ chế nào để nhanh chóng khởi động ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi?
Đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi / Hội thảo Quản lý điện gió ngoài khơi và Chuỗi cung ứng
Phát triển điện gió ngoài khơi được Việt Nam xác định là giải pháp có tính đột phát trong chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, do phát triển điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới nên vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý, quy hoạch, cơ chế đầu tư, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kèm theo.
Phát biểu tại “Hội thảo thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách”, sáng 16/3, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng gió.
Cùng với năng lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí hiện nay, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic trong những năm tới.
Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất đăng ký đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam khoảng 154 GW. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu sẽ phát triển khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Đến năm 2045, công suất đặt điện gió ngoài khơi dự kiến đạt khoảng 64.500 MW.
Tuy vậy, bài toán lớn mà ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam phải đối mặt bao gồm: tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ; nguồn vốn lớn và dài hạn.
Cùng với đó là nhiều vấn đề cần phải làm rõ như: Quy hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, quy định cho thuê, cấp phép, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định vận hành, cơ chế giá điện và hợp đồng mua bán điện và các quy định về vận hành hệ thống điện, hệ thống cảng biển, phát triển chuỗi cung ứng…
“Qua theo dõi công tác triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy, việc thể chế hóa và cụ thể hóa yêu cầu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi nêu tại nghị quyết được các cấp có thẩm quyền triển khai còn chậm, kết quả còn hạn chế”, ông Hiển nói.
Cụ thể, Quy hoạch điện VIII và quy hoạch không gian biển vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa được ban hành.
Việc giao vùng biển để thực hiện khảo sát, phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi chưa được quy định cụ thể tại văn bản pháp luật. Các quy định về hình thức lựa chọn nhà đầu tư hiện nay chưa điều chỉnh được đối với các dự án nhà náy điện gió ngoài khơi.
Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn khác chưa bao quát được dự án điện gió ngoài khơi. Lộ trình xây dựng và ban hành cơ chế chính sách giá, khung giá cũng đang gặp khó khăn và bất cập; còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho điện gió ngoài khơi…
Ông Mark Huchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) nhận định có nhiều phương án để Việt Nam đạt được mục tiêu 7 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2032, như “cơ chế phát triển nhanh”, cơ chế đấu thầu, ưu đãi thông qua giá…
Tuy nhiên, việc xây dựng các chính sách và cơ chế liên quan cần có lộ trình dài, trong khi để phát triển dự án điện gió ngoài khơi cần nhiều thời gian hơn. Chính phủ có thể thực hiện thí điểm từ 2-3 GW điện gió ngoài khơi thông qua các nguồn tài chính hỗn hợp để giảm chi phí.
"Việc phát triển 7 GW điện gió ngoài khơi rất quan trọng đối với Việt Nam vì mục tiêu phát thải ròng. Nếu triển khai theo cơ chế đấu thầu, sẽ cần ít nhất 2 năm để tháo gỡ các rào cản pháp lý và ban hành các biện pháp chính sách.
Việc xem xét và đề xuất “cơ chế phát triển nhanh”, thực hiện dự án thí điểm là rất cấp thiết trong giai đoạn quyết sách của Chính phủ và cơ chế này cần được Chính phủ xem xét, ủng hộ", ông Mark Hutchinson đề xuất.
Theo ông Mark Hutchinson, “cơ chế phát triển nhanh” là chọn một dự án thí điểm quy mô lớn, hoặc áp dụng một nhóm các cơ chế đặc biệt dành cho một lượng công suất nhất định (4 GW) để các dự án phát triển theo quy trình rút ngắn hơn thông thường. Cơ chế này hỗ trợ cho các dự án được triển khai nhanh chóng để giải quyết các rào cần về chính sách.
Đồng thời, giúp dự án đạt được quy mô triển khai đủ lớn để giảm chi phí sản xuất diện quy dẫn. Các dự án không phải đợi trong lúc quy hoạch không gian biển, quy trình cho thuê mặt biển, quy trình đấu thầu được nghiên cứu, phát triển và thẩm định vì các quy trình đó cần có thời gian và có thể trì hoãn việc triển khai dự án.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh