Có nên cho nhập khẩu lợn thay vì để nhập lậu mất kiểm soát?
Nhiều thách thức cho phát triển ngành gỗ Việt Nam / Nhiều bất lợi làm xuất khẩu thủy sản sụt giảm
Đợt dịch tả lợn châu Phi bắt đầu từ giữa tháng 3 đến nay đã khiến đàn lợn ở các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL giảm mạnh. Cung ít hơn cầu, nhiều đầu nậu đã lén lút nhập lậu lợn qua biên giới Tây Nam về nội địa bán kiếm lời.
Tại tỉnh An Giang, từ tháng 10 đến ngày 17/11, các lực lượng trên địa bàn đã phát hiện 15 vụ buôn lậu lợn với số lượng hơn 4.000 con. Bộ đội biên phòng tỉnh này cho biết, trước đây rất ít khi phát hiện lợn nhập lậu. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, lượng lợn nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam qua vùng biên giới tỉnh An Giang gia tăng.
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y địa phương, Campuchia chỉ là địa bàn trung chuyển. Rất có thể số lợn này có nguồn gốc từ Thái Lan. Nơi đây có những trang trại chăn nuôi quy mô lớn nên giá thành rất thấp. Sau khi vận chuyển qua Campuchia, một số được tiêu thụ tại chỗ, số khác được tập trung về tỉnh Tà Keo giáp với tỉnh An Giang. Lợi dụng đêm tối, đối tượng buôn lậu sẽ thuê người vận chuyển về nội địa tiêu thụ. Hiện với 1kg lợn hơi nếu đưa trót lọt qua biên giới, đối tượng buôn lậu sẽ thu lãi khoảng 9.000 - 10.000 đồng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang, lợn nhập lậu được lén lút vận chuyển qua biên giới, không qua kiểm dịch nên nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn địa phương là rất cao. Lý do là vì tại tỉnh Tà Keo, Campuchia, hiện dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành. Trong khi đó, lợn nhập lậu lại được tập kết ở tỉnh này trước khi được đưa vào ĐBSCL tiêu thụ.
Đến hết tháng 11, tỉnh An Giang đã có 111 địa phương qua 30 ngày không xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Lợn nhập lậu có thể khiến công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn trở thành "công cốc". Chính vì vậy, từ tháng 10, UBND tỉnh An Giang đã ban hành công văn yêu cầu các lực lượng phải tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, cũng như buôn lậu thuốc, đường, thực trạng buôn lậu lợn cũng rất khó ngăn chặn.
Dự kiến, trong thời gian tới Việt Nam thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn, đặc biệt là thời điểm Tết Nguyên đán. Vì vậy, tình hình buôn lậu lợn qua biên giới sẽ còn gia tăng, trong khi việc ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến đã đề xuất nên cho nhập khẩu lợn nguyên con qua đường biên giới Tây Nam.
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, nếu cho phép nhập khẩu, địa phương sẽ phải xây dựng một khu vực cách ly để nuôi nhốt lợn tập trung nơi biên giới. Sau khi lấy mẫu, xét nghiệm, lợn sạch bệnh sẽ được đưa vào nội địa tiêu thụ. Cách làm này sẽ đảm bảo việc cung ứng nguồn thịt cho người dân. Cơ quan chức năng kiểm soát được nguồn lợn sạch bệnh, vừa thu được thuế.
Trong cuộc họp Chính phủ vào đầu tháng 12, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cho biết đang theo dõi sát nhu cầu trong nước để kịp thời tham mưu Chính phủ xem có nên nhập khẩu lợn hay không. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa ký kết xuất nhập khẩu thịt lợn với Thái Lan và Campuchia. Do vậy, việc nhập thịt lợn từ các nước này cần phải được xem xét cẩn trọng và có sự đồng thuận giữa chính phủ các nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam