Thị trường

Công bố việc doanh nghiệp tư nhân tiếp cận hối lộ

DNVN - Theo kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã tiếp cận hối lộ như “chi phí kinh doanh” nhiều hơn là một vấn đề về “liêm chính trong kinh doanh”...

2 tháng đầu năm 2019: Chưa có doanh nghiệp nào thoái vốn / Giám đốc WB tại Việt Nam: Kinh tế số mang lại cơ hội cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ

Tại hội thảo tham vấn “Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử tại các DN Việt Nam: Các phát hiện chính và một số khuyến nghị”, do VCCI và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức, GS.TS Nguyễn Văn Thắng, ĐH Kinh tế quốc dân, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Cuộc điều tra toàn quốc về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã cho thấy bằng chứng rõ ràng của việc hối lộ trong toàn bộ nền kinh tế.

Kết quả nghiên cứu từ 239 DN tham gia cuộc khảo sát và 40 DN tham gia vào các cuộc phỏng vấn sâu cho thấy, từ 51% đến 65% doanh nghiệp (DN) tham gia khảo sát trong giai đoạn 2011-2017 cho rằng các DN cùng ngành đang phải trả chi phí hối lộ. Ngoài ra, xu hướng ngày càng tăng, các DN phải chi trả 10% tổng doanh thu hoặc hơn cho các chi phí không chính thức, tăng từ 7% (2010) lên hơn 10% các DN được khảo sát trong giai đoạn 2014- 2017.
Theo ông Thắng, gần đây, khoảng hơn 80% DN tin rằng mức chi phí không chính thức họ phải trả “ở mức chấp nhận được”.
Với kết quả khảo sát trên, nhóm nghiên cứu rút ra cho rằng một tỉ lệ đáng kể các DN ở Việt Nam đang trả các chi phí không chính thức như là một hoạt động bình thường trong kinh doanh. Điều này làm gia tăng áp lực cho các DN khác cũng phải làm tương tự để có thể tham gia cuộc chơi.
Ngoài ra, “định mức” của việc chi trả chi phí không chính thức đã trở nên phổ biến rộng rãi trong những năm gần đây, hoàn toàn trái ngược với nỗ lực của Chính phủ và kỳ vọng của cộng đồng.
Theo nhóm nghiên cứu, có sự gia tăng về tỉ lệ các DN chi trả hối lộ cũng như mức độ chi trả (hơn 10% tổng doanh thu) và mức độ phổ biến của các khoản chi phí không chính thức. Cuối cùng, các DN tư nhân ở Việt Nam đã tiếp cận hối lộ như là “chi phí kinh doanh” nhiều hơn là một vấn đề về “liêm chính trong kinh doanh”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết: Khi các hệ thống kiểm soát và tuân thủ của DN không được áp dụng hoặc không thực hiện đúng chức năng thì các hành vi xấu dễ có cơ hội nảy sinh trong các công ty và vượt ra ngoài biên giới thông qua các chuỗi cung ứng, đầu tư và thương mại toàn cầu.
Sự lãnh đạo đúng đắn, các hệ thống tuân thủ kiểm soát rủi ro tham nhũng và việc quản trị, giám sát bằng quy định rõ ràng là những yếu tố quan trọng xây dựng liêm chính doanh nghiệp.
Từ kết quả khảo sát trên, nhóm nghiên cứu đưa ra kiến nghị: Chính phủ cần xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn chính thức để giúp các DN thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Các văn bản này cần hướng vào các DN với quy mô và các loại hình sở hữu khác nhau và nên có các nguyên tắc cơ bản về quản trị DN.
Ngoài ra, Chính phủ nên nâng cao năng lực theo dõi giám sát thông qua việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ.
Về phía các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đề xuất DN Nhà nước cần tuân thủ theo hệ thống kinh doanh thực sự hơn là hệ thống quản lý khó hiểu hiện tại “nửa Nhà nước, nửa DN”. Trong khi đó, DN tư nhân nên chuyển từ triết lý “ăn xổi” sang tăng trưởng bền vững dài hạn.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm