Thị trường

Công nghiệp thực phẩm, dịch vụ ăn uống dự kiến đạt 655.000 tỷ đồng vào 2024

DNVN - Theo Kirin Capital - một tổ chức đầu tư vốn cổ phần tư nhân bắt nguồn và nghiên cứu chuyên sâu tại thị trường Việt Nam, năm 2024, giá trị thị trường ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống Việt dự kiến tăng 11% so với năm 2023, đạt mốc hơn 655 nghìn tỷ đồng.

Vietnam Foodexpo 2018: Cơ hội kết nối giao thương cho doanh nghiệp ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam / Khai mạc Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2019

Kirin Capital cho rằng thị trường ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng. Năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng 11% so với năm 2023 và đạt mốc hơn 655 nghìn tỷ đồng.

Dự báo từ nay đến năm 2027, các cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với 93,9% thị phần, khẳng định vị thế thống trị của mô hình này.

6 xu hướng nổi bật của ngành F&B Việt Nam trong năm 2024 bao gồm: làn sóng đồ uống tiện lợi; nhu cầu “ăn sạch, uống sạch” tăng cao; cuộc đua nâng tầm đẳng cấp ẩm thực Việt đang cạnh tranh gay gắt.

Cùng với đó là xu hướng nâng cao chất lượng và trải nghiệm; chuyển đổi số trong kinh doanh F&B có tốc độ chuyển đổi số rất nhanh và đang có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Làn sóng đồ uống tiện lợi, nhu cầu “ăn sạch, uống sạch” tăng cao.

Cụ thể, theo Kirin Capital, nhu cầu ngày càng cao cho sự tiện lợi và nhanh chóng sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ. Với chi phí đầu tư hợp lý, vị trí thuận tiện, cùng thực đơn đa dạng phù hợp với mua mang đi và giao hàng, phân khúc này hứa hẹn sẽ bùng nổ trong năm 2024.

Bắt đầu từ giai đoạn đại dịch bùng phát, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của mình, cẩn trọng trong các lựa chọn ăn uống, và ưu tiên sử dụng những thực phẩm hữu cơ, sạch, lành mạnh. Chính sự thay đổi này của người tiêu dùng đã hình thành nên các xu hướng “ăn sạch, uống sạch” và không ít trào lưu ăn uống cũng bắt nguồn từ xu hướng này.

Hiện nay, cuộc đua nâng tầm đẳng cấp ẩm thực Việt đang cạnh tranh gay gắt giữa các nhà hàng cao cấp để nhận giải thưởng Michelin danh giá (giải thưởng danh giá khẳng định đẳng cấp của nhà hàng, trình độ của nhân viên trong lĩnh vực ẩm thực). Các thương hiệu F&B đang dốc sức cải thiện chất lượng món ăn, nâng cao dịch vụ và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng.

Cuộc đua Michelin không chỉ mang đến lợi ích cho thực khách Việt Nam mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để các nhà hàng khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực quốc tế.

Bên cạnh đó, nắm bắt xu hướng chung của thị trường, các doanh nghiệp F&B sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng để thu hút và giữ chân thực khách. Thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 cho thấy một bức tranh đầy hứa hẹn cho ngành F&B.

Hiện kinh doanh F&B được xem là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số rất nhanh tại Việt Nam. Đầu tiên có thể kể đến hầu hết các cơ sở kinh doanh hiện này đều đã thay đổi phương thức bán hàng, chuyển từ kinh doanh offline, chỉ bán hàng tại chỗ, sang kinh doanh online và tích hợp đa kênh.

Tiếp đến, marketing online cũng là một xu hướng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên thị trường F&B Việt Nam. Rõ nhất có thể nhìn vào các nhà hàng, quán cà phê, hoặc ngay cả những quán ăn bình dân cũng đầu tư lập fanpage, tạo website, thậm chí là thiết kế ứng dụng riêng để xây dựng hình ảnh thương hiệu và hệ thống tiện ích cho hoạt động kinh doanh của mình.

Có thể khẳng định, thị trường Việt Nam trong những năm gần đây là “miếng bánh” hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt mục tiêu tham gia đầu tư, nhất là dưới hình thức nhượng quyền thương mại. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong vòng 10 năm trở lại đây, hơn 50% thương vụ nhượng quyền được ký kết tại Việt Nam đều thuộc lĩnh vực F&B.

Nắm bắt được xu hướng và áp dụng chiến lược phù hợp sẽ giúp các doanh nghiệp F&B thành công trong thị trường đầy tiềm năng này.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm