Quy chuẩn công nghiệp thực phẩm doanh nghiệp cần biết khi xuất khẩu sang Anh
DNVN - Nắm vững quy chuẩn về ngành công nghiệp thực phẩm của Vương quốc Anh là yêu cầu cần thiết cho doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu sang thị trường đầy tiềm năng này, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến HACCP và GFSI.
Thứ trưởng Bộ Công Thương điện đàm với Quốc vụ khanh phụ trách chính sách thương mại Vương quốc Anh / Xuất khẩu thủy sản sang Vương quốc Anh cần chứng thư vệ sinh mới
Chiều 11/11, tại Vương quốc Anh, Tổ chức hỗ trợ Thương mại Đông Nam Á” (SEATFO) đã tiến hành họp báo giới thiệu một số quy chuẩn công nghiệp thực phẩm khi xuất khẩu sang thị trường Anh và châu Âu, với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận, mở rộng và phát triển các ngành hàng phù hợp của mình tại thị trường giàu tiềm năng này.
Thay mặt Ban giám đốc SEATFO, bà Anh Đao Carrick cho biết: Vương quốc Anh có nền kinh tế lớn thứ 2 ở châu Âu, thứ 5 trên thế giới và là nền kinh tế cởi mở, không bảo hộ và độc lập.
Vương quốc Anh nhập khẩu thực phẩm với số lượng khổng lồ tạo cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt
Vương quốc Anh là thị trường có 68 triệu người, sinh sống tại bốn quốc gia Anh, Scotland, Đảo phía Bắc và xứ Wales.
“Hàng năm, Vương quốc Anh nhập khẩu thực phẩm với số lượng khổng lồ, trị giá 48 tỷ bảng Anh, tương đương 65.5 tỷ USD. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường thực phẩm tại đây rất cạnh tranh và được sự quản lý chặt chẽ bởi tiêu chuẩn Anh (British standard)”, bà Anh Đao Carrick nói.
Giới thiệu chi tiết cho doanh nghiệp Việt về một số quy chuẩn công nghiệp thực phẩm, ông Richard Werran, Giám đốc Viện Tiêu chuẩn Vương Quốc Anh - Chuỗi cung ứng thực phẩm và bán lẻ (BSI), thành viên danh dự tại Viện Khoa học và Công nghệ Thực phẩm (FIFST) của Hiệp hội Vệ sinh Thực phẩm (FSOFHT) cho biết: Doanh nghiệp thực phẩm của Vương quốc Anh phải thực hiện hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên các nguyên tắc HACCP (HACCP là viết tắt của cụm từ Hazard Analysis and Critical Control Point System - Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn).
Muốn xuất khẩu sang Anh, doanh nghiệp Việt nếu chỉ có chứng chỉ ISO 22000 tại Việt Nam là chưa đủ. Các nhà bán lẻ ở Vương quốc Anh yêu cầu doanh nghiệp Việt phải thực hiện chương trình an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GFSI (GFSI là Chứng nhận An toàn thực phẩm với những cam kết cải thiện an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị). GFSI phê duyệt một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm bao gồm canh tác, đóng gói, lưu trữ và phân phối.
Theo ông Richard Werran, trước khi xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh, doanh nghiệp Việt nên hỏi trực tiếp nhà bán lẻ hoặc nhà nhập khẩu/nhà phân phối/đại lý tại Vương quốc Anh về các chứng chỉ mà doanh nghiệp cần có và những chứng chỉ nếu có thì rất tốt. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh và thể hiện sự cẩn trọng khi kinh doanh.
Điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần biết thêm về các tiêu chuẩn ISO hoặc chương trình chứng nhận an toàn thực phẩm GFSI phù hợp với doanh nghiệp.
Chứng nhận an toàn thực phẩm GFSI
Một điểm đáng chú ý là tại Vương quốc Anh, cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA) làm việc độc lập và vẫn trực thuộc chính phủ, có nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng và lợi ích người tiêu dùng. Tuy nhiên, cơ quan này không tạo hoặc quản lý tiêu chuẩn thực phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam. FSA sẽ không phê duyệt và cũng không chứng nhận các mặt hàng thực phẩm của doanh nghiệp ở Việt Nam mà chỉ giám sát công việc của chính quyền địa phương và tư vấn cho chính quyền về các vấn đề thực thi các quy tắc thực hành, hướng dẫn theo luật định.
“Việc tạo hoặc quản lý tiêu chuẩn thực phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Vương quốc Anh chủ yếu được giao cho chính quyền địa phương và phòng y tế”, ông Richard Werran lưu ý.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo