Đà tăng trưởng bị gián đoạn tạm thời sau bão, yếu tố cơ bản dài hạn vẫn vững chắc
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Bài 2: Tìm giải pháp cho sự phát triển bền vững / Thị trường tín chỉ carbon rừng gặp nhiều thách thức
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đưa ra là 6,8-7%. Giới phân tích cũng nhận định, đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể bị gián đoạn tạm thời trong 2 quý cuối năm, tuy nhiên triển vọng tăng trưởng dài hạn vẫn rất vững chắc.
Đà tăng trưởng bị gián đoạn tạm thời
Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng UOB (Singapore) về tình hình kinh tế quý III/2024 nhận định, đà tăng trưởng của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tình hình thiên tai khắc nghiệt.
Theo phân tích của UOB, trước cơn bão, dữ liệu của Việt Nam cho đến tháng 8 vẫn cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã vượt trội hơn so với các nước lân cận trong khu vực ASEAN kể từ tháng 6/2024. Sản lượng sản xuất ghi nhận 4 tháng liên tiếp tăng trưởng hai chữ số (so với cùng kỳ năm trước) từ tháng 5 đến tháng 8/2024.
Xuất khẩu ghi nhận mức tăng hai chữ số (so với cùng kỳ năm trước) trong 7/8 tháng năm 2024, với thặng dư thương mại đạt 18,5 tỷ USD tính đến hết tháng 8. Doanh số bán lẻ cũng đã duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng là 8,8% so với cùng kỳ, mặc dù có mức cơ sở cao vào năm 2023.
Trong khi đó, dữ liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phản ánh sự lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam. Dòng vốn FDI có khả năng đạt trên 20 tỷ USD trong năm thứ ba liên tiếp (năm 2023 là 23,2 tỷ USD).
Trong bối cảnh đó, ảnh hưởng từ cơn bão Yagi đến triển vọng tăng trưởng trong năm 2024 sẽ được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý III/2024 và đầu quý IV/2024. Các chuyên gia của UOB cho rằng, tác động này sẽ thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở bị hư hỏng ở nhiều lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ ở các tỉnh, thành phía Bắc. Tuy nhiên, ngoài những gián đoạn tạm thời này, các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn khá vững chắc.
“Mặc dù Việt Nam đã tăng trưởng vượt trội ở mức 6,93% trong quý II/2024, tốc độ nhanh nhất trong gần 2 năm, nhưng đà tăng trưởng mạnh mẽ này khó có thể tiếp tục trong nửa cuối năm 2024. Sau khi tính đến những yếu tố ảnh hưởng từ bão Yagi, các nỗ lực tái thiết và nền cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023, UOB điều chỉnh giảm nhẹ mức dự báo tăng trưởng cho Việt Nam”, UOB nhận định.
Đối với quý III/2024, UOB dự báo tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức 5,7% (giảm so với mức 6,0% trước đó) và đối với quý IV/2024 là 5,2% (giảm so với mức 5,4%). Do đó, dự báo tăng trưởng cả năm cho năm 2024 được hạ xuống còn 5,9% (giảm khoảng 0,1% điểm phần trăm so với dự báo trước đó là 6%).
Đây vẫn là sự phục hồi tích cực so với mức tăng trưởng 5% vào năm 2023. Đáng chú ý, UOB dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 tăng khoảng 0,2% điểm phần trăm lên 6,6%, phản ánh mức tăng dự kiến để bù đắp cho những khoản sụt giảm trước đó.
Duy trì chính sách tiền tệ ổn định để hỗ trợ nền kinh tế
Bất chấp tác động từ cơn bão Yagi vừa qua và tỷ giá VND phục hồi đáng kể kể từ tháng 7, UOB kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất điều hành trong thời gian còn lại của năm 2024, đồng thời chú ý đến rủi ro lạm phát.
Từ đầu năm đến hết tháng 8, CPI toàn phần tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn một chút so với mục tiêu 4,5%. Áp lực tăng giá có thể sẽ gia tăng sau sự gián đoạn trong sản lượng nông nghiệp, vì thực phẩm chiếm 34% trọng số CPI.
Theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận có mục tiêu hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do bão Yagi, thay vì triển khai một công cụ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất. Do đó, UOB dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5% như hiện tại, trong khi tập trung vào việc tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.
Tuy nhiên, vị chuyên gia của UOB cũng lưu ý, việc FED cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % mới đây có thể làm tăng khả năng (và áp lực) đối với Ngân hàng Nhà nước để xem xét nới lỏng chính sách một cách tương tự.
Ở thời điểm hiện tại, cùng chung diễn biến với các đồng tiền trong khu vực, VND đã ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, phục hồi 3,2% đạt mức 24.630 VND/USD. Áp lực bên ngoài từ sức mạnh của đồng USD đang bắt đầu giảm dần khi FED bắt đầu chu kỳ nới lỏng như kỳ vọng, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn nữa của VND.
Các chuyên gia của VinaCapital cũng nhận định, với động thái của FED và diễn biến của tỷ giá VND/USD gần đây thì không có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi cũng gặp không ít thách thức.
Theo VinaCapital, việc cắt giảm lãi suất cao hơn kỳ vọng của FED lần này cũng đồng thời mang đến hàm ý lo ngại về kinh tế Mỹ chậm lại, từ đó giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ đối với các sản phẩm “made in Vietnam” như máy tính xách tay, điện thoại di động và các loại hàng hóa khác. Trong khi đó, xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang Mỹ nói riêng (tăng gần 30% trong 8 tháng đầu năm 2024) là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.
Các chuyên gia đề xuất, Việt Nam có thể tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và và đẩy nhanh sự phục hồi của thị trường bất động sản. Điều này sẽ giúp tránh những tác động tiêu cực từ sự sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu.
“Tập trung vào hai lĩnh vực này sẽ trực tiếp thúc đẩy nền kinh tế, và một thị trường bất động sản sôi động hơn chắc chắn sẽ cải thiện tâm lý tiêu dùng và chi tiêu của người dân, vốn có phần bị trầm lắng trong năm 2024”, VinaCapital bình luận.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra, bao gồm hạ lãi suất cho vay và thực hiện các gói tín dụng ưu đãi. Cụ thể, người dân và doanh nghiệp sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, cũng như tiếp tục được cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các Bộ ngành liên quan cũng đang khẩn trương thực hiện các chính sách miễn, giảm và gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và thuê mặt nước cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, sạt lở đất, theo quy định của pháp luật. Việc tăng chi tiêu và triển khai một số gói hỗ trợ về thuế, phí có thể sẽ được được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm tạo động lực phục hồi cho nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp