Thị trường

Đắk Lắk: Làm giàu nhờ nuôi bò vỗ béo

Tốt nghiệp đại học tại TP. Hồ Chí Minh, anh Lương Công Nhật (SN 1992, ở thôn Tân Tiến, xã Ea Na, huyện Krông Ana) không ở lại thành phố tìm việc làm mà quyết định trở về quê hương lập nghiệp.

Đắk Lắk: Làm giàu từ nuôi vịt siêu trứng / Yên Bái: Liên kết nuôi gà VietGAP, nông dân vươn lên làm giàu

Sau nhiều năm tìm tòi, học hỏi và suy nghĩ làm sao để sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình canh tác hiện tại của gia đình, năm 2015 anh Nhật quyết định vay mượn ngân hàng và bạn bè hàng trăm triệu đồng mua 10 con bò giống về chăn nuôi; đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng tiêu, sầu riêng, mít Thái da xanh, trồng cỏ cao sản, lắp đặt hệ thống tưới tự động... Trên diện tích hơn 2 ha trồng tiêu của gia đình trước đây, anh đã đầu tư cải tạo lại theo hướng hữu cơ và trồng xen canh các loại cây ăn trái và nuôi bò theo mô hình VietGAP. Trong vòng 5 năm, anh vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm qua sách, báo, Internet… Đến nay đàn bò của anh Nhật đã phát triển lên đến gần 25 con, vừa bò sinh sản vừa bò vỗ béo gồm các giống bò như: Angus, Droughmaster, BBB (Blance Bleu Belge), Charolais, Brahman… Hằng năm gia đình anh xuất bán được từ 10 - 15 con bò; với giá bán trung bình 15 triệu đồng/con, mỗi năm anh có thu nhập khoảng 250 triệu đồng.

Anh Nhật chăm sóc đàn bò của gia đình.
Anh Nhật chăm sóc đàn bò của gia đình.

Anh Nhật cho biết, mỗi ngày một con bò được cho ăn 20 kg cỏ, 5 kg tinh bột và uống nước sạch pha với muối. Bên cạnh đó, gia đình anh còn nhờ cán bộ thú y của xã theo dõi sức khỏe của bò, đồng thời chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại. Bò sau khi mua về sẽ được cách ly, tiêm phòng dịch bệnh, tẩy giun sán và được tắm mỗi tuần; chuồng trại được vệ sinh, xịt thuốc khử trùng đều đặn để phòng chống các loại dịch bệnh. Sau thời gian được vỗ béo từ 2 - 3 tháng, mỗi con bò khi xuất chuồng đạt từ 4 - 6 tạ. Gia đình anh trồng 2 ha cỏ voi và cỏ VA06 để phục vụ cho đàn bò.

Theo kinh nghiệm của anh Nhật, trồng xen cỏ trong vườn tiêu sẽ giúp cho cả hai cây trồng này đều phát triển tốt vì nguồn nước tưới và phân bón cho cỏ sẽ giúp tiêu phát triển và ngược lại những trụ tiêu sẽ tạo bóng mát cho cỏ, nhất là vào mùa khô. Anh Nhật chia sẻ: “Hiện nay, đàn bò của gia đình đang được nuôi theo tiêu chuẩn thịt bò sạch và tôi đang làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận. Trong những năm qua, số lượng bò thịt của gia đình chủ yếu bán cho các chủ lò mổ ở trên địa bàn huyện. Nhu cầu thịt bò sạch của thị trường ngày càng cao nên tôi không lo đầu ra, nhiều khách hàng muốn đặt hàng nhưng mình không có đủ để mà cung cấp”.

Không chỉ bán bò giống, anh Nhật còn trồng 3.800 trụ tiêu. Tận dụng nguồn phân bò dồi dào, anh làm hệ thống dẫn, xây hầm biogas để xử lý chất thải, giải quyết “bài toán” môi trường, tạo nguồn khí gas sử dụng trong gia đình, thu gom phân để bón cho vườn tiêu. Đối với lượng phân dư, anh mua các chế phẩm sinh học về để ủ, tăng hàm lượng chất hữu cơ. Không những thế, với hơn 1,2 ha cây ăn trái đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, anh Nhật còn đóng góp công sức, tâm huyết cho phong trào và hoạt động Đoàn tại địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình phát triển kinh tế của anh Nhật đã truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều thanh niên địa phương. Hiện nay trên địa bàn xã Ea Na nói riêng và huyện Krông Ana nói chung đã có hàng chục thanh niên đến học hỏi kinh nghiệm của anh Nhật để làm theo.

Dự định trong thời gian tới, khi vườn trái cây cho thu nhập anh Nhật sẽ tiếp tục tái đầu tư, mở rộng mô hình phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng trọt, sản xuất theo hướng hữu cơ khép kín; liên kết với các hộ dân trong vùng thành lập tổ hợp tác nhằm đảm bảo đầu ra bền vững. Ngoài ra, anh sẽ xây dựng thương hiệu bò giống, bò thịt chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap tại địa phương.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm