Thị trường

Đầu tư công gặp khó do... thiếu cát

DNVN - Theo TS Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, điểm nghẽn của đầu tư công hiện nay là là không có cát để thi công.

Đà Nẵng: Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 mới đạt hơn 25% kế hoạch / Không né tránh nhiệm trong giải ngân đầu tư công

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề thúc đẩy đầu tư công, TS Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, hiện nay, một loạt địa phương đã đưa ra các cơ chế rất linh hoạt. Ví dụ nhà thầu nào đẩy nhanh được tiến độ thì sẽ điều tiết vốn từ nhà thầu khác sang nhà thầu đẩy nhanh được tiến độ thi công này.

Tuy nhiên, ngay tại nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cũng không dám nhận thêm dự án, nhận thêm tiền vì nếu thế họ phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công. Mà điều này tiêu tốn rất nhiều vật liệu, đặc biệt là cát. Doanh nghiệp không tìm được vật liệu đang kham hiếm này.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thiếu cát xây dựng, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cũng không dám nhận thêm dự án.

Vốn của đầu tư công là Nhà nước không thiếu. Cái khó là doanh nghiệp không giải phóng được mặt bằng kịp thời, không có cát và đất để xây dựng. Còn thủ tục đấu thầu hiện nay khá thông thoáng, khá nhanh và minh bạch. Cơ chế tài chính của đầu tư công rất rõ ràng, được quy định trong luật.

“Cho đến nay, không một doanh nghiệp nào gặp khó khăn về giải ngân vốn đầu tư công. Thậm chí, được cho thêm tiền mà không dám nhận. Một mỏ cát chỉ được cấp phép 200 nghìn tấn/năm (có hóa đơn), mà 1 tháng mỏ đó đã bán 200 nghìn tấn rồi thì lấy hóa đơn từ đâu? Nếu doanh nghiệp mua cát để làm đường theo đúng tiến độ, liệu có dám chứng minh số cát đó có hóa đơn để hoạch toán?”, ông Nghĩa nêu thực trạng.

Cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, mỏ khai thác cát là mỏ của Nhà nước, tài nguyên là của Nhà nước, cần có cơ chế giám sát rất chặt chẽ những mỏ như vậy. Mỏ đó đã giao cho tư nhân rồi nhưng Nhà nước phải giám sát. Ban ngày mỏ khai thác cát bán khoảng 50 xe có hóa đơn, nhưng ban đêm thì xe cát được bán không hóa đơn có thể chạy cả đêm.

Nhiều dự án đầu tư công phải thi công cầm chừng vì thiếu cát xây dựng.

“Điểm nghẽn hiện nay của đầu tư công là không có cát để thi công. Giả sử doanh nghiệp mua cát chui để thi công thì không có hóa đơn thanh toán”, ông Nghĩa nói.

Những ngày gần đây, nguồn vật liệu cát, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang trong tình trạng khan hiếm, giá tăng vọt đã gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng. Hầu hết các nhà thầu đều bị áp lực và ngần ngại tham gia đấu thầu khi nguồn cung của vật liệu cát chưa được cải thiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương thực hiện dự án điều tra tài nguyên cát biển để Bộ Giao thông vận tải triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả trên sẽ làm cơ sở cung cấp vật liệu cho các dự án đầu tư của quốc gia.

Nếu tình trạng khan hiếm cát tiếp tục diễn biến như hiện nay thì mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2023 khó đạt được theo kế hoạch.


Anh Hoài
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm