Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Việt Nam cần làm gì để trở nên "nổi bật trong thu hút FDI"? / TPHCM: Nhiều siêu thị đồng loạt giảm giá thịt heo giữa “bão táp” dịch tả
Bắt đầu từ năm nay, ngày 16/6 hàng năm được chọn là Ngày không tiền mặt tại Việt Nam. Sự kiện này do Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Thương mại điện tử và Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) khởi xướng, nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, đến tháng 3/2019, giá trị giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng là hơn 171.000 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị hơn 900.000 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động. Khoảng 16 ngân hàng đã triển khai hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Ảnh minh họa.
Thanh toán không dùng tiền mặt được dự báo sẽ bùng nổ dựa trên nhu cầu ngày càng cao của xã hội và sự hỗ trợ của công nghệ. Không chỉ có ngân hàng, thị trường thanh toán điện tử Việt Nam còn có sự góp mặt của các loại ví điện tử như Moca, Vimo, Napas hay Monpay mà giờ đây, thị trường này còn sôi động hơn khi chính các ứng dụng gọi xe và các nhà mạng đang dần trở thành trung gian thanh toán và có ý định cung cấp các ứng dụng, dịch vụ thanh toán cho người sử dụng.
So với giao dịch tại quầy, tỷ lệ thanh toán qua kênh Mobile Banking, Internet Banking đã chiếm hơn 1/4 tổng giao dịch qua ngân hàng và mỗi năm tốc độ tăng khoảng 40% - 50%. Riêng kênh Mobile Banking chiếm tới 70%. Các ví điện tử, các trung gian thanh toán dịch vụ tiện ích đang ngày càng hút hơn khách hàng nói không với sử dụng tiền mặt.
Ngoài những tiện ích trong đời sống, trong những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3, 4.
Tại hội thảo về "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần phòng chống tham nhũng, rửa tiền và các tội phạm kinh tế. Điều đó cho thấy Việt Nam đã nắm bắt kịp thời để sớm đưa ra những giải pháp cần thiết trong xu hướng xã hội không tiền mặt toàn cầu.
Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang được đẩy mạnh với những kết quả khả quan bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm bởi hiện tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt mới chỉ là 14%. Mức độ minh bạch về đường đi của một số dòng tiền vẫn là một dấu hỏi. Để thanh toán không dùng tiền mặt thực sự đi vào cuộc sống cần sự tham gia đồng bộ và thay đổi của nhiều ngành, cấp, từ bản thân mỗi cá nhân đến các ngành như công an, thông tin truyền thông, thuế, kho bạc, tài nguyên…
End of content
Không có tin nào tiếp theo