Đề xuất chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
DNVN - Được sự chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Sơn La: Lão nông bỗng chốc giàu sụ nhờ mô hình kinh tế tổng hợp / Thái Nguyên: Người thanh niên làm giàu từ mô hình trồng rau quả an toàn
Dự thảo nêu rõ: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy doanh nghiệp có quy mô nhỏ luôn là đối tượng được chú trọng trong các chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển nhóm doanh nghiệp này, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng. Nhiều nước có quy định áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông.
Ảnh minh họa.
Thực tế tại Việt Nam, với đa số doanh nghiệp là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ (chiếm hơn 93% tổng số doanh nghiệp) và các doanh nghiệp càng có quy mô nhỏ thì càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, trong những thời điểm khó khăn trước tác động, ảnh hưởng của suy thoái, khủng hoảng kinh tế giai đoạn vừa qua (từ 2008 -2015), Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho một số đối tượng doanh nghiệp thuộc nhóm DNNVV và tại Luật thuế TNDN (sửa đổi) cũng đã xác định doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng mức thuế suất (20%) thấp hơn mức thuế suất phổ thông (25%, 22%) trong giai đoạn 2013 – 2015.
Để đảm bảo sự thống nhất, bình đẳng giữa các đối tượng cùng đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, phù hợp với các chính sách đã áp dụng trong thời gian qua và thực tế hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất việc áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam) nhằm tăng cường thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất và đặc biệt là khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) theo mục tiêu có 01 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Việc đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như nêu trên nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải. Thực tế là tính cả số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa thì nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới trên 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và nếu việc áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa thì gần như toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam đều được hưởng ưu đãi và không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển, đồng thời có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp vừa với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ trong khi nhóm doanh nghiệp vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn (vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...).
Đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước trong bối cảnh hiện nay. Theo ước tính, việc đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi tại dự thảo Nghị quyết này đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm và nếu tiếp tục mở rộng chính sách hỗ trợ tại dự thảo Nghị quyết này áp dụng cả đối với doanh nghiệp vừa có thể làm giảm thu NSNN hơn 19.500 tỷ mỗi năm.
Do đó, để đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng cần hỗ trợ, đặc biệt là khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp theo mục tiêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW đặt ra là “đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp”, phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV và thực tế áp dụng chính sách hỗ trợ đối với nhóm DNNVV thời gian qua, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh; doanh nghiệp có tổng doanh thu hàng năm không quá 03 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người (thuộc nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ); doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người (thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ).
Việc áp dụng các chính sách ưu đãi đối với từng đối tượng cần đảm bảo mức độ khuyến khích (đặc biệt là khuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp), giúp doanh nghiệp có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa không ảnh hưởng nhiều tới số thu ngân sách nhà nước và đảm bảo công tác quản lý.
Để tiếp tục khuyến khích phát triển doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các mức thuế suất thuế TNDN tương ứng là 17% và 15%. Các mức thuế suất này đảm bảo sự khuyến khích, hỗ trợ tương đương với mức thuế suất ưu đãi theo quy định của Luật thuế TNDN đang áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản và có mức độ khuyến khích cao hơn mức thuế suất đã áp dụng trong giai đoạn 2013-2015.
Đồng thời, để tạo ra động lực mạnh mẽ trong khuyến khích các đối tượng là hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp mà theo đánh giá đây là nhóm đối tượng cần tập trung khuyến khích theo mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Bộ Tài chính đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi cho các đối tượng này theo hướng: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 02 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh (thời gian miễn thuế này bằng với thời gian miễn thuế theo quy định của Luật thuế TNDN áp dụng đối với dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và dự án đầu tư mới thuộc một số lĩnh vực khuyến khích đầu tư). Sau thời gian miễn thuế này, trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ hộ kinh doanh thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tương ứng theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Hết thời gian miễn thuế và thời gian hưởng ưu đãi thuế (nếu có), doanh nghiệp thực hiện mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với điều kiện thực tế của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết này và quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Để phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, Luật thuế TNDN, Luật Đầu tư..., ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách thông qua việc thành lập doanh nghiệp mới để hưởng ưu đãi sau đó giải thể và tiếp tục thành lập doanh nghiệp khác để hưởng ưu đãi; hay việc thành lập các công ty con, công ty liên kết để chuyển doanh thu, lợi nhuận nhằm được hưởng ưu đãi, Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ về điều kiện của hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế; và các trường hợp không được hưởng chính sách ưu đãi thuế TNDN tại dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, áp dụng thuế suất 15% áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.
Thuế suất 17% áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người, trừ doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này.
Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 02 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Theo đánh giá sơ bộ, việc thực hiện các giải pháp tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng/năm (trong đó giải pháp miễn thuế trong vòng 02 năm đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm; giải pháp giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khoảng 6.500 tỷ đồng/năm).
Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối NSNN nhưng sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính và về dài hạn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho NSNN vào những năm sau.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế...
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có khoảng 715.000 doanh nghiệp. Trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp và trong số này, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm 65,52%; doanh nghiệp quy mô nhỏ chiếm 30,8% và doanh nghiệp quy mô vừa chiếm 3,67%. Như vậy, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và các doanh nghiệp này cũng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. |
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Cột tin quảng cáo