Thị trường

Điện Biên: Dứa 'nhả vàng' trên vùng đất dốc Mường Chà

Những năm gần đây, Mường Chà được biết đến là vùng có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh Điện Biên. Do hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cây dứa đã được huyện xác định là cây ăn quả chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả nhằm giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững.

TP. Hồ Chí Minh: Xử lý cơ sở sản xuất khẩu trang giả mạo / Cà Mau: Xử lý 7 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm trong 1 ngày

Chỉ khoảng 5 năm về trước, đến Mường Chà dù vào những ngày thu hoạch ngô, sắn thì vẫn hiện lên cái đói, cái nghèo vì xung quanh không có gì khác ngoài cỏ dại. Người dân ngoài trồng ngô, sắn, lúa nương thì chỉ biết lên núi kiếm cái ăn qua ngày.

Nâng cao thu nhập

Tuy nhiên chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững như luồng gió mới, thôi thúc người dân và chính quyền nơi đây tìm ra hướng đi để xóa đói giảm nghèo. Sau nhiều lần thử nghiệm, huyện Mường Chà mới rút ra rằng chỉ có chuyển đổi cây trồng vật nuôi, chú trọng kỹ thuật canh tác mới thì mới có thể giúp người dân xóa nghèo triệt để.

Và dứa chính là cây được lựa chọn. Huyện Mường Chà đứng ra hỗ trợ người dân chuyển đổi những vùng trồng ngô, sắn không hiệu quả sang trồng cây dứa theo hướng hàng hóa.

Dứa được mệnh danh là "cây giảm nghèo" ở Mường Chà (Ảnh: TL)
Dứa được mệnh danh là "cây giảm nghèo" ở Mường Chà (Ảnh: TL)

Từ một vài sào ban đầu, đến nay, diện tích dứa ở Mường Chà là 200ha, chiếm 62,3% tổng diện tích trồng dứa trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên. Đáng chú ý, để có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập, Mường Chà đã hướng người dân sản xuất theo hướng VietGAP.

Giống dứa được địa phương lựa chọn chủ yếu là giống Queen (dứa hoàng hậu), là giống dứa phù hợp với thổ nhưỡng của Mường Chà, cho ra quả ngọt, thơm dịu lại chịu được bóng râm nên có thể trồng xen kẽ dưới tán cây cao su để nâng cao thu nhập.

Khi trồng, người dân phải tuân thủ theo kỹ thuật trồng đất dốc, các hàng dứa được trồng theo đường đồng mức để tránh xói mòn. Đặc biệt, người dứa Mường Chà luôn hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo cho quả dứa sạch.

Dứa trước khi xuất ra thị trường được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 (Bộ NN&PTNT) tiến hành kiểm nghiệm, phân tích mẫu về các chỉ tiêu như: thuốc trừ cỏ, kích thích sinh trưởng, Ethephone điều hòa sinh trưởng…, kết quả âm tính thì mới được xuất ra thị trường.

 

Các hộ dân tính toán trồng gối nhau, mỗi lần cách nhau khoảng 20 ngày để dứa chín dần chứ không chín cùng một lúc, như vậy việc tiêu thụ cũng sẽ thuận lợi hơn. Việc trồng và thu hoạch dứa kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau.

Theo người dân Mường Chà, dứa cho thu nhập ổn định và có thể trồng gối vụ, thu hoạch quanh năm, vì thế không dại gì lại dùng các loại thuốc hóa học không được cho phép bỏ vào chính “nồi cơm” của mình.

So với ngô, lúa, đậu tương…, cây dứa là cây trồng đem lại thu nhập cao hơn 4-5 lần, lại dễ trồng, dễ chăm sóc. Dứa Mường Chà không chỉ là loại quả ngon, được nhiều người chọn mua mà hơn thế, nhờ trồng dứa, nhiều hộ đã vượt qua đói nghèo.

Anh Giàng A Chía, bản Na Sang, cho biết dứa thực sự đã giúp gia đình anh thoát nghèo. Trước đây, 6 miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào hơn 1ha đất trồng ngô, lúa nương nên năm nào cũng phải nhờ Nhà nước hỗ trợ. Nhưng 5 năm phát triển cây dứa thì 3 năm nay, gia đình anh đã thoát nghèo. Thu nhập từ trồng dứa khoảng 100 triệu đồng/vụ.

Hiện nay, tại Mường Chà có không ít hộ dân thoát nghèo và giàu lên nhờ cây dứa. Tùy vào diện tích mà thu nhập từ cây dứa là khác nhau nhưng theo tính toán của địa phương, với năng suất 20 tấn/ha, trung bình 1ha mang về cho người dân 50-60 triệu đồng.

 

Trợ lực từ HTX

Cây dứa được triển khai trồng chủ yếu 3 xã Na Sang, Mường Mươn và Sa Lông. Tuy là dứa bảo đảm chất lượng nhưng thực chất không phải lúc nào cũng bán được giá vì người dân chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc thông qua thương lái. Nếu phía Trung Quốc thu mua nhiều thì người dân không lo đầu ra, nếu Trung Quốc dừng thu mua thì coi như sản xuất không hiệu quả.

Trước vấn đề này, huyện Mường Chà đã tạo điều kiện và vận động người liên kết sản xuất thông qua mô hình HTX. Đến nay, huyện đã thành lập được 2 HTX là HTX dứa Na Sang và HTX Sa Lông.

Hai HTX là đầu tàu đứng ra hỗ trợ người dân sản xuất, đồng thời đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho quả dứa.

Đã có HTX ở Mường Chà đứng ra thu mua dứa để xuất bán cho doanh nghiệp (Ảnh: TL)
Đã có HTX ở Mường Chà đứng ra thu mua dứa để xuất bán cho doanh nghiệp (Ảnh: TL)

Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc HTX Dứa Na Sang, cho biết hiện giá dứa được HTX bán ra 5.500 - 6.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với năm 2019.

 

Không chỉ bán cho thương lái từ các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và Hà Nội, HTX còn ký hợp đồng với Công ty TNHH Nông sản xuất khẩu Tấn Phát (tỉnh Nam Ðịnh) với thời hạn 5 năm.

Theo hợp đồng, sản lượng công ty đăng ký thu mua là 1.000 tấn/năm; hợp đồng có điều khoản rất linh động và thuận lợi cho người trồng dứa. Như vậy, trong vòng 5 năm tới, người trồng dứa Mường Chà cơ bản không còn lo lắng về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Để bảo đảm chất lượng, các HTX đang chú trọng nâng cao chất lượng, hạn chế mở rộng diện tích gây dư cung. Khi cần mở rộng diện tích, HTX, doanh nghiệp và địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể nhằm bảo đảm nguồn lợi cho người dân.

Không chỉ chú trọng đạt tiêu chuẩn VietGAP, đến nay, các HTX còn liên kết với địa phương, thực hiện dán 5.000 tem chứng nhận sản phẩm an toàn và túi đóng gói sản phẩm.

Trước đây, người dân lo lắng và nản lòng vì phải mang dứa bán lẻ khắp nơi, quãng đường di chuyển xa, trong khi dứa là loại quả nhanh hỏng. Đến nay, sự vào cuộc của các HTX giúp người dân đi vào sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước giảm chi phí và rộng đầu ra, đưa cây dứa thực sự là cây giảm nghèo bền vững và hiệu quả tại Mường Chà.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm