Thị trường

Điều hành xăng dầu theo quy định mới từ 23/11

Bộ Công Thương vừa ban hành Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Nghị định 83, 95 về kinh doanh xăng dầu; chỉ đạo các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu về việc thay đổi thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, áp dụng vào thứ Năm hàng tuần.

Lĩnh vực thương mại dịch vụ gia tăng tuyển dụng lao động dịp cuối năm / Giải pháp nào để thúc đẩy xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng sang thị trường Trung Quốc?

Như vậy, kỳ điều hành giá đầu tiên theo quy định mới là ngày 23/11.

Chú thích ảnh
Thời gian điều hành giá xăng dầu rút ngắn từ 10 ngày xuống 7 ngày, được thực hiện vào ngày thứ năm hàng tuần. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Nghị định số 80 được các chuyên gia đánh giá đã có nhiều điểm chỉnh sửa nổi bật, giúp tăng cơ chế thị trường trong lĩnh vực xăng dầu, siết chặt kỷ cương hơn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tăng cơ chế thị trường

Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong, Nghị định mới giúp tăng tính cạnh tranh thị trường trong cơ chế điều hành. Điều này được thể hiện ở 3 khía cạnh. Có thể kể đến như về thời gian điều hành giá xăng dầu đã rút ngắn từ 10 ngày xuống 7 ngày, được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Cùng đó, giảm bớt giai đoạn trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu thông qua tổng đại lý bán lẻ xăng dầu. Đồng thời, cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu đa dạng hoá (tối đa cho 3) thương nhân là thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong tổng cộng 29 thương nhân đầu mối (PLX, PV Oil, ...), 120 thương nhân phân phối và hơn 14.000 doanh nghiệp bán lẻ (trạm xăng dầu) bao gồm các trạm do công ty sở hữu - công ty vận hành (COCO) và các trạm do đại lý sở hữu - đại lý vận hành (DODO).

Về cơ cấu giá, dù giữ nguyên công thức giá cơ sở và cách tính giá xăng dầu thế giới, nhưng thời gian rà soát, công bố lại chi phí vận chuyển và premium (phụ phí khi nhập các sản phẩm dầu), bao gồm trong giá cơ sở được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng...

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, những yếu tố này làm tăng cơ chế thị trường và giúp cập nhật kịp thời chi phí đầu vào cho doanh nghiệp phân phối xăng dầu và giúp bù đắp cho chi phí thực tế, giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khi giá dầu tăng đột biến trong thời gian ngắn. Đồng thời, giúp tăng sự cạnh tranh về chiết khấu và tăng tính chủ động của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong việc tích trữ hàng tồn kho, cung cấp xăng dầu cho thị trường...

Cùng quan điểm trên, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, Nghị định số 80 là bước tiến về quản lý chuỗi cung ứngxăng dầu, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là doanh nghiệp bán lẻ về nguồn hàng. Cụ thể, cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 3 nguồn nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.

“Đây là quyết định chính xác, giúp doanh nghiệp bán lẻ có nhiều hơn sự lựa chọn trong kinh doanh, minh bạch chi phí kinh doanh”, ông Phú nói.

Ngoài ra, việc rút thời gian điều hành giá xăng dầu còn 7 ngày, được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần sẽ cập nhật tình hình giá xăng dầu trên thế giới tốt hơn, giảm bớt rủi ro khi giá xăng tăng quá cao hoặc xuống quá thấp trong thời gian ngắn như năm 2022.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho hay, việc rút ngắn thời gian giữa 2 kỳ điều hành còn 7 ngày thì giá xăng dầu sẽ theo sát với diễn biến giá thế giới hơn. Điều này giúp mặt hàng xăng dầu có thể vận hành tốt hơn theo cơ chế thị trường, hài hoà lợi ích doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu.

Siết lại kỷ cương

Chú thích ảnh
Điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Theo các chuyên gia, Nghị định 80 đã giúp siết lại kỷ cương trong hoạt động kinh doanh xăng dầu khi đưa ra quy định rõ ràng, quy chế thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu. Đây là điểm tốt và là xu hướng chung của các nơi trên thế giới.

Trong Nghị định 80, liên quanđến việc thu hồi giấy phép và chế tài phạt vi phạm quy định trong kinh doanh xăng dầu, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung, cụ thể hoá quy định các trường hợp và quy trình thu hồi Giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân trong các trường hợp: Thương nhân không tiếp tục hoạt động kinh doanh xăng dầu và có văn bản gửiSở Công Thươngđề nghị thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã được cấp cho thương nhân; Thương nhân bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật; Thương nhân vi phạm quy định về điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu và không khắc phục vi phạm trong thời gian 90 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Thương nhân đang bị xử lý vi phạm mà tái phạm quy định về bảo đảm số lượng, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường và quy định pháp luật về chất lượng.

Ngoài ra, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần đối với hành vi vi phạm các quy định về trích lập, chi sử dụng, kết chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoặc không thực hiện kết chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định này và các văn bản hướng dẫn thì sẽ bị xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cơ sở đề nghị của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Thời hạn tạm dừng kinh doanh xăng dầu là 30 ngày hoặc 60 ngày tùy theo mức độ vi phạm.

Nghị định 80 cũng bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn và phân cấp cho Sở Công Thương địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định của thương nhân trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; đồng thời, bổ sung các quy định, đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

 

Theo TS Nguyễn Minh Phong, với những điểm mới này, Nghị định 80 được kỳ vọng giúp tăng tính pháp chế, tăng chế tài hành chính, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật để ổn định nguồn cung xăng dầu bán lẻ trong mọi trường hợp, tránh lặp lại sự khan hiếm giả tạo như thời gian vừa qua.

Ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, đây là những điểm giúp siết lại kỷ cương trong thị trường xăng dầu, làm rõ quy chế thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu khi doanh nghiệp làm không tốt. Tuy nhiên,thời gian tới vẫn cần tăng cường tính cạnh tranh hơn cho thị trường xăng dầu, trao quyền lựa chọn nhiều hơn cho doanh nghiệp theo hướng thị trường để có được một thị trường xăng dầu bình đẳng và cạnh tranh. Ngoài ra cũng cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân được tham gia thị trường để tăng tính cạnh tranh. Nhà nước sẽ quản lý thị trường, hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại, cạnh tranh không bình đẳng, và quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu bằng hiện vật.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm