DN Việt cần làm gì để tăng xuất khẩu vào thị trường Anh trong đại dịch Covid-19?
DNVN - Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/05/2021. Hiệp định mở ra chương mới trong quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đôi bên. Doanh nghiệp Việt cần làm gì để tận dụng UKVFTA tăng xuất khẩu vào Anh trong bối cảnh dịch bệnh?
Bộ Công Thương thông tin việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá lốp ô tô Việt Nam / Giữ nguyên giá xăng, dầu từ 15h ngày 27/5
Cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Anh
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/05/2021. Về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định UKVFTA cũng tương tự như Hiệp định EVFTA, gồm: Thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, và pháp lý - thể chế.
Với UKVFTA, các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại Hiệp định EVFTA được duy trì. Hiệp định song phương này là sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt. UKVFTA không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đáng lưu ý, Hiệp định UKVFTA có một số điểm mới như về thương mại hàng hóa, ngoài việc hai bên tiếp tục thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình của Hiệp định EVFTA, UK vẫn dành lượng hạn ngạch nhất định đối với 14 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi theo cơ chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định EVFTA; trong đó có những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu lớn như gạo, tinh bột sắn, thủy sản.
Cùng với đó, về thương mại dịch vụ, đầu tư và mua sắm của Chính phủ, hai bên cũng có một số điều chỉnh cho phù hợp với cam kết của một hiệp định thương mại tự do song phương giữa hai nước.
Về quy tắc xuất xứ, hai bên thống nhất áp dụng cơ chế cộng gộp xuất xứ mở rộng cho phép hàng hóa của hai bên được sử dụng nguyên liệu được nhập khẩu từ các nước thành viên EU. Điều này giúp các doanh nghiệp UK duy trì được chuỗi sản xuất và cung ứng hiện tại. Riêng với Việt Nam, do việc thực thi cơ chế cộng gộp mở rộng còn khá mới mẻ nên hai bên cũng đã nhất trí tiến hành rà soát cơ chế này vào năm thứ 3 kể từ khi hiệp định có hiệu lực; các cơ chế thực thi hiệp định mang tính đặc thù giữa Việt Nam và EU cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp.
Đối với Việt Nam, với những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa tương đương Hiệp định EVFTA cộng với việc có thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao như nông thủy sản sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Theo tính toán, giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3,5 nghìn tỷ/năm.
Không những thế, UKVFTA còn tạo lập lợi thế cạnh tranh cho nhiều sản phẩm Việt Nam như đã nêu trên trước các sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil, … Đây là các quốc gia có năng lực sản xuất và thương mại rất mạnh nhưng họ chưa kịp có Hiệp định Thương mại tự do với Anh. Những doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập được quan hệ bạn hàng vững chắc tại Anh và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của EU hoặc của Anh sẽ có khả năng tận dụng lợi thế cạnh tranh nhờ UKVFTA nhanh hơn các doanh nghiệp mới để gia tăng thị phần. Các nhà nhập khẩu Anh đã có sẵn nhà cung cấp Việt Nam cũng sẽ tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, Hiệp định UKVFTA dự kiến giúp ổn định thị trường để các doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển. Thêm vào đó, với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao của Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ song phương của hai bên một cách toàn diện và sâu rộng hơn nữa trong những năm tới, là cơ sở vững chắc để Việt Nam và UK duy trì và củng cố quan hệ đối tác chiến lược mà hai bên vừa thiết lập. Đặc biệt, Hiệp định UKVFTA cũng là cơ sở để hai bên thúc đẩy khác khuôn khổ hợp tác khu vực và đa phương khác.
Một số lưu ý cho doanh nghiệp Việt
Để vào được thị trường Anh, hàng hóa Việt Nam cần đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, thẩm mỹ, vệ sinh, môi trường với giá cả cạnh tranh. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng, và hạ giá thành sản phẩm.
Hiện nay, Chính phủ Anh đã ban hành Chính sách ngoại thương hậu Brexit và có thể sẽ dần dần điều chỉnh một số quy định về tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất, thủ tục hải quan. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt kịp thời những thay đổi này khi sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh.
Tiếp đến là việc lựa chọn sử dụng đồng bảng Anh hay đồng USD trong đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại đòi hỏi doanh nghiệp phải theo dõi sát biến động tỷ giá giữa đồng bảng Anh và đồng USD.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp không nên chấp nhận điều khoản thanh toán trả chậm để hạn chế rủi ro biến động tỷ giá và rủi ro phá sản của bạn hàng. Cẩn trọng giao dịch hợp đồng trị giá lớn với các doanh nghiệp mới thành lập. Nhất thiết phải xác minh uy tín và tình trạng tài chính của đối tác trước khi mới giao dịch lần đầu.
Dư địa thị trường còn rất lớn. UKVFTA là một công cụ tạo cơ hội và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả UKVFTA và chinh phục 1 thị trường tiêu chuẩn cao như Vương quốc Anh, đòi hỏi doanh nghiệp phải hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu thị trường, đổi mới phát triển sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và thị hiếu của người tiêu dùng Anh, tiếp tục nâng cao trình độ thương mại chuyên nghiệp để xác lập lòng tin vững chắc của bạn hàng. Các doanh nghiệp Anh sẽ có sự điều chỉnh mạnh mẽ về thị trường để tận dụng UKVFTA khi và chỉ khi các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được kỳ vọng về trình độ chuyên môn và niềm tin của họ. Gần một trăm ngàn sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các trường đại học tại Vương quốc Anh là một nguồn tài nguyên quý giá mà các doanh nghiệp Việt Nam không thể bỏ qua nếu muốn phát triển quan hệ hợp tác với người Anh.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 1,024 tỷ USD, tăng 20,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy Hiệp định UKVFTA đã tạo ra động lực quan trọng trong việc phục hồi trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm nay. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh có thể kể đến như: Điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, da giày, thủy sản, nông sản qua chế biến, đồ gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm từ chất dẻo… Việt Nam nhập khẩu chính từ Anh các sản phẩm như máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; dược phẩm; hóa chất… Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%). |
Việt Nguyễn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo