Thị trường

Khử khuẩn vải thiều, đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi xuất khẩu sang Nhật

DNVN – Dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Vải thiều Bắc Giang vẫn đang nỗ lực vượt khó để xuất khẩu sang Nhật Bản. Trước tình hình trên, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đã tạm thời ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thực hiện việc giám sát khử khuẩn cho vải thiều xuất khẩu sang thị trường này.

Vải thiều Việt Nam lần đầu tiên có mặt tại Singapore với mức giá rất cạnh tranh / Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường khó tính Nhật Bản

Sáng ngày 26/5, lô vải đầu tiên của mùa vụ 2021 gồm 20 tấn vải thiều sớm của huyện Tân Yên (Bắc Giang) vừa được thu mua, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Để có được bước khởi đầu này, nhiều ngày qua các cán bộ làm công tác bảo đảm sau thu hoạch của vụ vải ở vùng dịch bệnh này đã nỗ lực nhiều ngày đêm không nghỉ.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) cho biết, để nâng cao chất lượng vải thiều sau khi xử lý để xuất khẩu sang Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch cải tiến quy trình, cơ chế sau xử lý để khắc phục khuyết điểm của công nghệ xử lý khử khuẩn bằng Methyl Bromide là phá hủy mạnh màng tế bào.

"Nhờ đó, năm nay vải được bảo quản tốt hơn hẳn năm ngoái, sau khi những lô vải đầu tiên của Hải Dương đến Nhật Bản, phía Nhật Bản đã kiểm tra và phản hồi chất lượng vải rất tốt, bảo đảm sự tươi ngon" - ông Hiếu nói.

Từ khi chưa kết thúc vụ vải năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật, Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch đã bắt tay vào việc cải tiến quy trình xử lý khử trùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản cho vụ thu hoạch 2021. Theo đó, phía Cục Bảo vệ thực vật đã đàm phán với đối tác Nhật Bản thay đổi phương án xử lý thùng carton sang rổ nhựa. "Chỉ một thay đổi nhỏ như thế nhưng cũng mang lại tác dụng rất lớn, giúp giảm bớt thời gian sơ chế sau xử lý do có thể nhúng luôn rổ vào nước rửa; giảm bớt chi phí, đồng thời giúp phân bố thuốc đều hơn khi xử lý và thông thoáng hơn sau xử lý, giúp giảm thời gian chờ đợi".

Từng quả vải được tuyển lựa theo đúng yêu cầu của đối tác phía Nhật Bản.

Từng quả vải được tuyển lựa theo đúng yêu cầu của đối tác phía Nhật Bản.

Để bảo đảm công tác phòng chống dịch trong khâu xử lý vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo 5K, phối hợp với địa phương từ sớm để tạo điều kiện cho các đơn vị vừa chống dịch vừa sản xuất, cán bộ yên tâm vào vùng dịch làm việc.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, việc cải tiến quy trình xử lý vải xuất khẩu sang Nhật Bản, chất lượng được phía Nhật khẳng định rất tốt, hôm nay (26/5) có 3 doanh nghiệp xuất khẩu lô vải sớm đầu tiên của Tân Yên (Bắc Giang) sang Nhật Bản với số lượng khoảng 20 tấn.

Sở Công Thương Bắc Giang cũng cho biết, tỉnh đang triển khai phương án tiêu thụ 70% tại thị trường trong nước, xuất khẩu khoảng 30%. Bắc Giang đã xuất khẩu sang các thị trường, chủ yếu là Trung Quốc, được gần 50% trong số 2.000 tấn thu hoạch vải sớm. Ngoài sản lượng vải tiêu thụ trong nước, mùa vụ 2021 Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng 20.000 tấn vải sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, EU, Mỹ...

Cũng theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, ngày 23/5 vừa qua, những lô vải đầu tiên của Việt Nam do Công ty Sunrise Farm Nhật Bản ký kết với Công ty Cổ phẩn Ameii Việt Nam đã cập cảng hàng không tại Nhật Bản, đánh dấu một mùa vải bội thu và trái vải Việt Nam được nhiều người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận.

Lần đầu tiên ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, quả vải thiều Việt Nam đã gây được tiếng vang khi 2 tạ vải bày bán tại AEON đã được tiêu thụ hết trong 1 ngày. Khách tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất tốt về sản phẩm và dành nhiều lời khen cho sự tươi ngon của quả vải Việt Nam cũng như bày tỏ mong muốn sản phẩm này trở thành quà biếu, tặng cho gia đình, người thân.

Nhật Bản từ trước đến nay luôn nổi tiếng là thị trường có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt, người tiêu dùng đòi hỏi rất cao về chất lượng thực phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nhập khẩu. Quả vải thiều Việt Nam đã trải qua hơn 5 năm đàm phán, nỗ lực đáp ứng các quy định khắt khe mới được phép nhập khẩu vào Nhật Bản.

Do vậy, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến cáo, các doanh nghiệp cần phải duy trì chất lượng quả vải sạch, bảo đảm giá thu mua, giá bán và giá xuất khẩu ổn định. Đồng thời tích cực củng cố và đẩy mạnh nâng cao hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường "khó tính" này, có như vậy mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản.

Mùa vụ năm nay, các công ty đầu mối xuất khẩu vải thiều đã xây dựng kế hoạch xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi sang Nhật Bản.

Tại Nhật Bản, quả vải được Hiệp hội Nhập khẩu hoa quả của Nhật Bản giới thiệu là một loại quả có giá trị. Quả vải lần đầu tiên được du nhập vào đảo Izu Oshima, Nhật Bản từ năm 1720, đến cuối thời kỳ Edo, quả vải đã được đưa đến Kagoshima.

Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, quả vải được nhập khẩu từ 5 quốc gia. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, khoảng 256 tấn (chiếm khoảng 60%), đứng thứ 2 là Đài Loan, khoảng 127 tấn (chiếm khoảng 30%), đứng thứ 3 là Mexico với 29,7 tấn, đứng thứ 4 là Hoa Kỳ, khoảng 1,3 tấn. Tại quốc gia này, vải là một loại quả quý do số lượng bán ra thị trường rất ít, được trồng chủ yếu tại Okinawa và Kagoshima.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm