Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong giao thương với Trung Quốc
Bị 'tuýt còi', nông sản xuất khẩu khó giữ thị trường / Nông sản xuất khẩu ám ảnh giá cước vận tải biển
Với kinh nghiệm của một doanh nghiệp có thâm niên làm ăn với đối tác Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội cho biết, nửa cuối năm 2022, 4 nghị định thư mà Việt Nam ký với Trung Quốc liên quan đến xuất khẩu nông sản đã giúp định hình và phát triển một ngành mới cho nông sản Việt.
Ví dụ như chuối, loại quả này được xuất khẩu từ rất lâu rồi nhưng sau khi có nghị định thư, từ người trồng đến doanh nghiệp thu mua, chế biến cùng cơ quan quản lý sẽ phải quy hoạch và tổ chức sản xuất lại một cách bài bản và bền vững hơn.
Sẽ không còn chuyện nay trồng mai chặt nữa. Bên cạnh đó, ngành hàng sầu riêng, nội trong tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD.
“Giá trị của nghị định thư không đơn thuần nằm ở khía cạnh kinh tế, bởi nó còn buộc người sản xuất thay đổi tư duy theo hướng làm việc nghiêm túc và phát triển bền vững. Tất cả thông tin đều công khai, minh bạch, không bao giờ có chuyện ép giá”, bà Hương khẳng định.
Dựa trên sáng kiến “Vành đai và con đường”, theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc, Trung Quốc thời gian tới sẽ tập trung thúc đẩy sự phồn vinh và ổn định của biên giới, hỗ trợ xây dựng các cảng biên giới, đồng thời phát triển thương mại biên giới. Các chuỗi công nghiệp, chuỗi dịch vụ xuyên biên giới nhiều khả năng được đầu tư tại các cặp cửa khẩu với Việt Nam.
Việt Nam, với vị trí địa lý nằm sát nách một thị trường, hoàn toàn có thể tận dụng việc này để phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Sự cạnh tranh giữa các quốc gia giờ không còn diễn biến ở biên giới vật lý nữa, mà xảy ra trên không gian mạng, trên nền tảng số. Người tiêu dùng đặt hàng từ Thâm Quyến, Quảng Châu qua các sàn thương mại điện tử hiện nhanh không kém gì hàng đặt từ TP Hồ Chí Minh.
Đó cũng là cơ hội mới dành cho nông sản Việt nếu đủ sức tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Nó sẽ giúp người dân Lục Ngạn, Bắc Giang có thể không phải sử dụng containter lạnh để vận chuyển vải thiều tới Bắc Kinh nữa, mà chỉ cần dùng thùng xốp và đá cây giống như giao hàng vào miền Nam.
“Giấc mơ ấy thực sự chính đáng khi góp phần tạo ra thế chủ động về giao thương nông sản cho Việt Nam - một đất nước sản xuất, xuất khẩu nhiều mặt hàng lớn nhất, nhì thế giới. Ai từng tham gia ngành hàng chuối đều nắm được điều này khi đưa hàng sang Trung Quốc. Nhu cầu của phía bạn gần như quanh năm. Miễn là chúng ta có hàng hóa đạt chuẩn cả về chất lượng lẫn truy xuất nguồn gốc, họ đều thu mua”, bà Hương nhấn mạnh.
Để có thêm nhiều nông sản rộng đường tới Trung Quốc và thế giới, doanh nghiệp trước hết cần tránh rơi vào thế bị động, đặc biệt là về mã số vùng trồng sau khi ký nghị định thư. Các bộ, ban, ngành và địa phương cần lập tức chú trọng và có những chính sách thúc đẩy ngành hàng.
Bên cạnh đó, những tổ chức, cá nhân sản xuất loại cây trồng có nghị định thư phải được quyền đăng ký mã số lên hệ thống quốc gia. Trên cơ sở tổ chức lại sản xuất một cách bài bản, Việt Nam cần khẳng định và có những bằng chứng xác thực về việc tất cả mã số đăng ký trên hệ thống quốc gia đều đủ tiêu chuẩn bán hàng, thay vì chờ cơ chế xin cho, hoặc thấp thỏm đợi nước nhập khẩu phê duyệt hồ sơ.
Từng bước, Việt Nam phải xây dựng hệ thống quản lý quốc gia và tự nâng mình thành người chủ động trong giao thương nông sản. Thay vì làm đối phó, và phụ thuộc hoàn toàn vào yêu cầu nước nhập khẩu, chúng ta sẽ chuẩn hóa theo từng nhóm nhó. Ai có đủ năng lực quản lý, giám sát sẽ được tạo cơ chế cho “đi trước”, để người sau nhìn vào noi gương và rút kinh nghiệm. Cứ lần lượt như vậy cho đến khi toàn ngành hàng được chuẩn hóa.
Ở góc độ quản lý nhà nước, theo bà Hương, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các đơn vị liên quan cần đàm phán nhiều hơn với các thị trường về công nhận song phương.
“Ví dụ, quy trình chuẩn của Việt Nam là VietGAP và chúng ta có thỏa thuận song phương với Trung Quốc, thì mọi nông sản đạt chuẩn này sẽ đương nhiên được vào thị trường bạn mà không cần kiểm tra thêm về quy cách đóng gói, bao bì”, bà Hương cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt