Thị trường

Doanh nghiệp đang bị dồn vào sức ép không hoàn thành kế hoạch kinh doanh

DNVN - Nói về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Phạm Đình Đoàn- Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, doanh nghiệp đang bị dồn vào các sức ép liên quan đến kế hoạch kinh doanh của năm không đạt được.

Đề xuất áp dụng thuế suất thấp hơn đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ / Việt Nam cần tận dụng cơ hội kết nối với doanh nghiệp Mỹ qua chuỗi giá trị

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Phạm Đình Đoàn- Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhấn mạnh: Năm 2023, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả doanh nghiệp vốn hoạt động tốt cũng không ngoại lệ.

Đó là khó khăn xuất phát từ nhu cầu thị trường giảm, tất cả nhu cầu của mặt hàng thiết yếu đều giảm. Nhu cầu tiêu dùng giảm tới 20% trong khi có doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng trong năm nay.

Sự ngược chiều này khiến lượng hàng tồn trong kho của các doanh nghiệp rất lớn. Cần có cuộc khảo sát để nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là lượng hàng tồn. Khi lượng hàng tồn nhiều sẽ đội thêm các chi phí làm cho kết quả kinh doanh năm 2023 khó khăn hơn.

Cùng với đó, chi phí vận chuyển, giá nguyên vật liệu và vốn đều gặp khó khăn, không chỉ đầu năm mà khó khăn này sẽ kéo dài hết năm. Doanh nghiệp đang phải cố gắng tái cơ cấu lại chính mình, tránh những khó khăn dồn dập sẽ biến thành khó khăn lớn, thậm chí có nguy cơ đóng cửa.

Ông Phạm Đình Đoàn- Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, doanh nghiệp đang bị dồn vào các sức ép liên quan đến kế hoạch kinh doanh của năm không đạt được. Ảnh: Hoài Anh

Cũng theo ông Đoàn, doanh nghiệp đang rất loay hoay tìm giải pháp để bảo đảm ổn định đầu ra, không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường ngoài nước.

Đối với thị trường ngoài nước, các cuộc khủng hoảng khiến đơn hàng ngoài nước giảm nhiều. Ở trong nước, tâm lý tiêu dùng cũng thận trọng hơn, tiết kiệm hơn do các doanh nghiệp đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp nhiều hơn.

Chi phí tăng nên người dân và doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu, dẫn đến hàng tồn của doanh nghiệp rất nhiều. Trong khi, doanh nghiệp cần thời gian 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm mới có thể giải quyết được bài toán hàng tồn.

Để giải quyết vướng mắc, việc đối thoại gặp gỡ từng ngành nghề khác nhau, từng loại hình doanh nghiệp khác nhau rất quan trọng.

“Từng cộng đồng doanh nghiệp phải gặp gỡ, trao đổi, đưa ra các giải pháp vừa ngắn hạn, vừa trung hạn để có thể thoát ra được giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp hoạch định chung cùng với định hướng của Chính phủ trong hoạt động dài hạn 3,4 năm sau. Chúng ta thấy cộng đồng doanh nghiệp đang bị đuối sức, kể cả vấn đề quản trị do không có cách xây dựng, dự báo tốt được thị trường. Điều này cần sự trợ lực thêm của Chính phủ”, ông Đoàn nói.

Chia sẻ khó khăn về vốn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, mặt bằng lãi suất hạ được thì tốt cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn vay vốn ngân hàng nhưng ngân hàng hiện phải xem xét rất kỹ về phương án kinh doanh. Trong khi, phương án kinh doanh hiện nay của doanh nghiệp không được tốt trong bối cảnh giá cả thị trường nước ngoài nhập khẩu vào tăng 10-30%.

Doanh nghiệp mong muốn vay vốn ngân hàng nhưng ngân hàng xem xét rất kỹ về phương án kinh doanh.

Cùng với đó, giữa các doanh nghiệp khó khăn cũng gây sức ép lẫn nhau để tạo ra lợi nhuận theo kế hoạch đầu năm.

Các doanh nghiệp đang bị dồn vào sức ép kế hoạch kinh doanh của năm không đạt được. Doanh nghiệp rất cần sự xem xét của các tổ chức tín dụng tháo gỡ thể chế để có thể tiếp cận và huy động được nguồn vốn trong lúc khó khăn này.

Chính các doanh nghiệp phải tự lùi một bước để tiến hai bước, tức là phải làm chậm quá trình phát triển, đặt mục tiêu trong năm 2023 ngắn hạn là làm sao ổn định được doanh nghiệp để chuẩn bị cho sự phát triển tiếp theo. Nếu năm nay đặt chỉ tiêu phát triển hoặc mở rộng thì chưa chắc đã phù hợp.

“Tôi nghĩ năm 2023 khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp. Hy vọng đầu năm 2024, sau một năm tái cấu trúc, các doanh nghiệp đã tính toán cơ cấu tốt thì sẽ tăng trưởng trở lại”, ông Đoàn hy vọng.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm