Thị trường

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường dược liệu toàn cầu

DNVN - Theo Bộ Y tế, để tham gia thị trường thảo dược toàn cầu, Việt Nam cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó không thể thiếu là hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước.

Xăng dầu cùng giảm giá mạnh / Giá vàng ngày 21/3/2023: Thế giới tăng nhẹ, trong nước biến động trái chiều

Phải đầu tư khoa học công nghệ
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin y tế quý I/2023 do Bộ Y tế tổ chức sáng 24/3 tại Hà Nội, ông Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết, trong năm 2022, tổng số mẫu dược liệu được lấy mẫu kiểm tra chất lượng là 2224 mẫu, trong đó có 85 mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chiếm tỉ lệ 3,82%. Tỉ lệ mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng là 11,08% năm 2017 và 5,7 % năm 2018.
Trong bối cảnh hiện nay, để tham gia vào thị trường thảo dược toàn cầu, Việt Nam cần phải đầu tư khoa học công nghệ, giống, vốn, phát triển vùng trồng dược liệu trên quy mô lớn, tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu.
Theo đó, phải phát triển các sản phẩm từ dược liệu có nguồn gốc hữu cơ (organic) gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ của dược liệu, kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu). Đồng thời khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia phát triển dược liệu. Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phát triển đa dạng hóa các sản phẩm từ dược liệu gồm thuốc, hóa mỹ phẩm, nước hoa, hương liệu, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng y học...
Bộ Y tế đã tham mưu đề xuất thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp để Việt Nam tham gia thị trường thảo dược toàn cầu. Bao gồm xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng dược liệu. Xây dựng vùng trồng dược liệu đạt thực hành tốt nuôi trồng và thu hái cây thuốc (GACP-WHO), dược liệu hữu cơ (organic), đảm bảo dược liệu đầuu ra đạt tiêu chuẩn chất lượng theo dược điển (giới hạn vi sinh vật, giới hạn thuốc bảo vệ thực vật...). Từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung có quy mô đủ lớn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp
Theo ông Trần Minh Ngọc, để thúc đẩy và tham gia sâu hơn vào thị trường dược liệu toàn cầu, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực dược là rất cần thiết.
Trên thực tế, Bộ Y tế đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước phát triển, với việc áp dụng công nghiệp mới, hiện đại trong bào chế, sản xuất và phân phối.

Theo Bộ Y tế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tham gia thị trường dược liệu toàn cầu.
Cụ thể, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như Nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Đồng thời đưa ra nhiều nhóm giải pháp đồng bộ về giải pháp về thể chế, pháp luật; giải pháp về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải pháp về khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; giải pháp về kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; giải pháp về hợp tác và hội nhập quốc tế; giải pháp thông tin và truyền thông.
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền. Trong đó, tăng tỉ lệ khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại ở tất cả các tuyến. Tăng tỉ lệ chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế trong tổng số chi phí cho thuốc.
Bộ Y tế và UBND các tỉnh thành phố tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tiểu dự án 2 của giai đoạn I (từ năm 2021 - 2025) với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hỗ trợ trực tiếp vốn ngân sách là 60 tỷ đồng /điểm dự án và vốn vay ưu đãi 96 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 3,96%. Cơ chế này thu hút được doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BYT ngày 22/9/2022 hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về giống, vốn, khoa học công nghệ để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển dược liệu.
Cũng theo ông Ngọc, Bộ Y tế đã tích cực triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, tiến hành trao giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt” và có nhiều chính sách đặc thù từ nuôi trồng, thu hái, sản xuất, sơ chế, chế biến, sản xuất, đấu thầu.
Ngày 12/3 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 6/2023/TT-BYT sửa dổ, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó phân nhóm riêng đối với các thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu mà trong thành phần công thức thuốc có toàn bộ dược liệu đươc cơ quan quản lý dược Việt Nam công bố đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP hoặc trong thành phần công thức thuốc có từ 50% số lượng thành phần dược liệu trở nên đươc cơ quan quản lý dược Việt Nam.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm