Doanh nghiệp điện tử kêu khó tiếp cận các Gói ưu đãi, vướng ở chỗ nào?
Có thể không đi du lịch, không đi xem phim, nhưng không thể không... ăn vì Covid-19 / Gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng: Ngân hàng khẳng định không thiếu vốn, doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận
Trong kiến nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp điện tử sau dịch bệnh Covid-19, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) đã nêu ra những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi tiếp cận các chính sách ưu đãi của Chính phủ.
Điều kiện để được hỗ trợ từ các Gói ưu đãi có "làm khó" doanh nghiệp?
Cụ thể, đối với Gói hỗ trợ về vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng) theo Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo VEIA, nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận hoặc chưa biết tiếp cận bằng cách nào với các gói ưu đãi này. Theo phản ánh của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang và một số đơn vị khác, một số doanh nghiệp đã tiếp cận một số ngân hàng về gói hỗ trợ này và bước đầu cũng đã có ngân hàng đồng ý cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tuy nhiên chính sách ưu đãi chưa được triển khai áp dụng đồng bộ, nhất quán trong hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, các công ty như 4P, công ty Viettronics Tân Bình và một số đơn vị khác cũng cho hay, mặc dù doanh nghiệp chưa chính thức nhận được gói hỗ trợ nào nhưng đang tiến hành các thủ tục đề nghị được giãn chậm nộp thuế.
Đối với Gói hỗ trợ Gia hạn nộp thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, Tiền thuê đất bắt đầu từ tháng 3/2020 trở đi căn cứ theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 của Chính phủ, VEIA cho biết, một số công ty đã nộp hồ sơ đăng ký gia hạn nộp thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, sau khi nộp hồ sơ doanh nghiệp sẽ được giãn nộp thuế 5 tháng mà không cần cơ quan có văn bản chấp thuận. Nhưng một số doanh nghiệp khác lại phản ánh rằng có rất nhiều thủ tục rườm rà, không phù hợp với doanh nghiệp của mình nên không tìm hiểu để tiếp cận những gói hỗ trợ này.
Một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử lại đưa ra những kiến nghị rất cụ thể. Công ty Viettronics Bình Hòa (VBH) kiến nghị về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với 2 ý kiến như sau: Hiện tại, VBH đang vận dụng Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đề làm văn bản “Đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất” gửi lên cơ quan Thuế. Tuy nhiên, do Nghị định này vẫn còn chung chung và chưa có Thông tưhướng dẫn thêm nên VBH cũng không hoàn toàn chắc chắn là Công ty VBH có thuộc mục “b1) Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển” hay không.
Đặc biệt nội dung Khoản 3, Điều 4 đã làm cho các DN, người dân cảm thấy vô cùng lo lắng, bất an có thể nói là “làm khó” cho các DN, người dân: “Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất... Trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp...”.
Riêng về nội dung này, Hiệp hội VEIA đã kiến nghị như sau: Để nhanh chóng đưa được các chính sách của Thủ tướng Chính phủ đến từng doanh nghiệp, người dân, xin đề xuất Chính phủ thành lập 1 “Ban chỉ đạo” có đủ thẩm quyền quyết định và giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp kèm theo “đường dây nóng” để hỗ trợ, giải đáp các ý kiến hỏi đáp từ cộng đồng doanh nghiêp, người dân.
Đồng thời Chính phủ xem xét giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm 2020 và 2021. Lý do vì hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang phải chịu một “gánh nặng” là chi phí tiền thuê đất cao. Đây là bất cập mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam phải “cạnh tranh không cân sức” với các doanh nghiệp FDI đã có tiềm lực rất mạnh lại đang được thụ hưởng các chính sách ưu đãi từ phía Nhà nước về miễn tiền thuê đất... Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phải chịu thêm sự ảnh hưởng vô cùng nặng nề từ dịch Covid-19 suy giảm từ 50 – 90% nguồn thu, khó có khả năng “duy trì, tồn tại và phát triển”.
Đối với Gói hỗ trợ Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Thông báo số 860/BHXH-BT ngày 17/03/2020. Hầu hết các doanh nghiệp được hỏi phản hồi chưa tiếp cận được gói hỗ trợ trên, bên cạnh đó một số doanh nghiệp cũng đã gửi văn bản cho cơ quan BHXH nhưng chưa được giải quyết do vướng mắc vấn đề điều kiện số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo VEIA, việc đưa ra các điều kiện để được nhận hỗ trợ của BHXH trong thực tế đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp cận. Điều kiện số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên: Chưa khuyến khích, động viên các doanh nghiệp đang tìm đủ mọi giải pháp để vượt qua khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chi tiêu rất nhiều nguồn lực cho trong công tác phòng, chống dịch để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người lao động, cố gắng duy trì công ăn việc làm cho người lao động trong tình hình hiện nay, góp phần đảm bảo nhiệm vụ an sinh xã hội cùng với Chính phủ. Điều kiện bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định: Doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để chứng minh mức độ thiệt hại theo các quy định hiện hành. Công ty kiến nghị cơ quan BHXH nên loại bỏ điều kiện này hoặc nếu giữ lại thì nên có hướng dẫn về quy trình hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng hơn.
Một số doanh nghiệp đã lập danh sách người lao động phải nghỉ không lương hoặc cho nghỉ luân phiên do đơn hàng sụt giảm bởi anh hưởng của dịch bệnh đến cơ quan chức năng như công ty TNHH 4P, công ty CP Viettronics Tân Bình…
Đối với Gói hỗ trợ gia hạn thời gian nộp kinh phí công đoàn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Văn bản 245/TLĐ ngày 19/03/2020 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Doanh nghiệp rất khó tiếp cận được gói hỗ trợ này do vướng mắc điều kiện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên). Tương tự như trường hợp của gói hỗ trợ của cơ quan BHXH, điều kiện này chưa khuyến khích, động viên các doanh nghiệp đang tìm đủ mọi giải pháp để vượt qua khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chi tiêu rất nhiều nguồn lực cho trong công tác phòng, chống dịch để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người lao động, cố gắng duy trì công ăn việc làm và giữ những người lao động có tay nghề ở lại cùng công, góp phần đảm bảo nhiệm vụ an sinh xã hội cùng với Chính phủ.
Đốiv với Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Chính phủ ban hành ngày 09/04/2020. VEIA cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện được tiếp cận mặc dù hiện nay vẫn đang tìm mọi cách, dành mọi nguồn lực để duy trì công ăn việc làm cho người lao động và chưa sử dụng đến giải pháp cắt giảm lao động chính thức.
Ngành công nghiệp điện tử trong nước đang gặp khó khăn rất lớn sau dịch bệnh Covid-19.
Kiến nghị thay đổi các điều kiện doanh nghiệp được nhận hỗ trợ một cách minh bạch theo cơ chế một cửa
Trước những vướng mắc của doanh nghiệp nêu trên, VEIA đề nghị Nhà nước cần thay đổi, điều chỉnh lại các điều kiện để tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ theo hướng minh bạch, đơn giản, cơ chế một cửa để các doanh nghiệp được tiếp cận với các gói hỗ trợ của Chính phủ về. Cụ thể, đề nghị miễn, giảm thuế đất đai, thuế VAT, phí BHXX, phí BHYT, thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Triển khai thực hiện xử lý các thủ tục hành chính của doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước theo hình thức trực tuyến, một cửa, có hướng dẫn cụ thể, tránh gây phiền hà gia tăng chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho các doanh nghiệp được giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 và 2021 nhằm hỗ trợ, vực dậy các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này;
Kiến nghị Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sửa đổi, điều chỉnh lại điều kiện quy định hiện nay và thay thế bằng điều kiện doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu hoặc lợi nhuận giảm từ 20% so với cùng kỳ trở lên sẽ được tiếp cận hỗ trợ này.
Đề xuất cơ quan BHXH nên sửa đổi, điều chỉnh lại điều kiện hiện nay và thay thế bằng điều kiện doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu hoặc lợi nhuận giảm từ 20% so với cùng kỳ trở lên sẽ được tiếp cận hỗ trợ này.
Hạn chế tạm dừng hoặc không tổ chức thanh, kiểm tra các doanh nghiệp chưa có dấu hiệu vi phạm trong năm 2020 để các doanh nghiệp ưu tiên tập trung nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì công ăn việc làm và đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Nhanh chóng có hướng dẫn thực hiện nghị định của Thủ tướng về việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh Covid -19 vì thực tế nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng và giảm doanh thu từ 20-30% nhưng không tiếp cận được các chương trình hỗ trợ nêu trên vì được cho vào loại 2 do không bị ảnh hưởng trực tiếp.
Cần bổ sung thêm Quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp để giữ chân được người lao động có tay nghề phải nghỉ việc do ảnh hưởng Covid. Vì đối với lĩnh vực sản xuất điện tử đòi hỏi thời gian đào tạo nghề lâu hơn, điều này sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi sản xuất tăng trở lại nếu không có sẵn những người lao động có tay nghề.
Ngân hàng Nhà nước nên có quy định cụ thể và cơ chế giám sát việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp của hệ thống các ngân hàng, có thêm nhiều gói vay ưu đãi cho DN với nhiều ngân hàng khác nhau, đơn giản hóa thủ tục để linh hoạt vốn, nhất là đối với DN mới đầu tư, mới đưa vào hoạt động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam