Doanh nghiệp góp phần đưa tỷ trọng hàng Việt trên thị trường nội địa duy trì ở mức cao
DNVN - Các doanh nghiệp thương mại trong thời gian qua cũng đã tích cực tham gia Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Bằng các cam kết đưa hàng Việt vào các kênh bán hàng, các doanh nghiệp đã góp phần làm cho tỉ trọng hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước duy trì ở tỉ lệ cao và đảm bảo sự ổn định.
Sẽ công bố dự thảo quy định "Made in Vietnam" trong tháng 8 / Xu hướng tích cực của nền kinh tế vẫn tiếp tục
Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người VN ưu tiên dùng hàng VN" (gọi tắt là Cuộc vận động), bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TW Cuộc vận động đã nhấn mạnh đến sự tham gia hưởng ứng của doanh nghiệp trong 10 năm triển khai và thực hiện cuộc vận động.
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và các nhà sản xuất kinh doanh đã tích cực triển khai các giải pháp, hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động; tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên, ngoài lao động ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp đối với Cuộc vận động; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đổi mới công tác quản lý điều hành; thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm; tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, đi đôi liên doanh, liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ có chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu.
"Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời gian qua được các doanh nghiệp quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động. Đến nay, các đợt bán hàng đã thu hút được đông đảo người dân địa phương đến thăm quan, mua sắm; bước đầu đã tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa", bà Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Theo thống kê từ khi có Cuộc vận động, số lượng các đợt bán hàng Việt về nông thôn cũng tăng lên cả về số lượng và quy mô tùy theo từng địa bàn, đồng thời cũng cho thấy sự chủ động, tích cực, sáng tạo của nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia. Nhiều doanh nghiệp tự thiết kế, làm chủ các quy trình sản xuất, chế tạo, thi công các sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ tiên tiến, với tỷ lệ nội địa hóa trên 90%, góp phần nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa và thay thế hàng nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Các doanh nghiệp thương mại trong thời gian qua cũng đã tích cực tham gia Cuộc vận động. Bằng các cam kết đưa hàng Việt vào các kênh bán hàng, các doanh nghiệp đã góp phần làm cho tỉ trọng hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước duy trì ở tỉ lệ cao và đảm bảo sự ổn định.
Theo đó, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)... Theo báo cáo năm 2018 của các doanh nghiệp phân phối, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.
Thực hiện cam kết với người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất trong nước luôn chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Để bảo vệ và giữ uy tín của doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã chú trọng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký chất lượng và sở hữu thương hiệu sản phẩm.
Đánh giá về hạn chế, bà Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng Việt chưa thực sự hưởng ứng Cuộc vận động, chưa nhận thức được sức ép cạnh tranh của hàng ngoại nhập trong quá trình hội nhập; phần lớn doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ, kinh nghiệm quản lý chưa nhiều, không có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ hoặc chưa mạnh dạn đổi mới, ứng dụng KHCN, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, thông tin, quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến với người tiêu dùng.
Ngoài ra, đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu; nhiều hãng sản xuất trong nước không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Một số doanh nghiệp có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, hoặc không giữ chữ tín trong kinh doanh, gây mất niềm tin của người tiêu dùng.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo