Thị trường

Doanh nghiệp Nhật Bản “tăng sức đề kháng” để thích nghi trước đại dịch Covid-19

DNVN - Để vượt qua khủng hoảng và đối phó với tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chứng tỏ “sức đề kháng” của mình bằng cách tính toán giải pháp thích nghi, phương án kinh doanh khác thay thế.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam tiếp tục thu hút doanh nghiệp nước ngoài / Hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản Việt chất lượng cao

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM và Văn phòng JETRO tại TP.HCM vừa thực hiện khảo sát 1.038 doanh nghiệp hội viên (tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu…) nhằm nắm bắt thông tin về giải pháp phòng chống dịch Covid-19, những khó khăn đang phát sinh cũng như kế hoạch kinh doanh sản xuất trong thời gian tới.

Theo kết quả khảo sát, có khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 trong tháng 3.

Trong đó, 34% doanh nghiệp bị ảnh hưởng ít (doanh thu giảm 10% so với cùng kỳ năm trước), 19% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều (doanh thu giảm từ 20% đến 40% so với cùng kỳ năm trước) và 6% doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn (doanh thu giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước).

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Dưới tác động của dịch Covid-19, trong quý 2/2020 có tới 70% doanh nghiệp dự kiến sẽ bị ảnh hưởng với mức dự đoán doanh thu có thể giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ. Từ đó tác động đến sản xuất, kinh doanh của cả năm.

Để vượt qua khủng hoảng với đối phó với tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chứng tỏ “sức đề kháng” của mình bằng cách tính toán giải pháp thích nghi, phương án kinh doanh khác thay thế, như: Xử lý trong tồn kho, thay đổi nhà cung cấp, thay đổi thiết bị, nguyên phụ liệu, khống chế hoặc nâng cao tỉ lệ hoạt động, sắp xếp lại chuỗi cung ứng như chuyển giao nơi sản xuất hoặc chuyển về nước.

Song song đó, để thực hiện công tác chống dịch nhiều doanh nghiệp còn triển khai làm việc tại nhà cho cán bộ công nhân viên. Cụ thể, chia nhóm cho nhân viên thay nhau làm việc, làm việc tại nhà theo từng bộ phận.

Tại cuộc khảo sát, kiến nghị với Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác về tình hình dịch bệnh và phương hướng xử lý; đảm bảo lưu thông trên thị trường đầy đủ các vật phẩm thiết yếu như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn; đảm bảo các chuyến bay giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng như sớm nới lỏng các hạn chế nhập cảnh.

 

Ngoài ra còn có các kiến nghị khác như cấp giấy phép lao động, visa, thẻ tạm trú như bình thường, sớm mở cửa trường học, hỗ trợ lương tạm nghỉ việc nếu có lệnh cấm ra ngoài…

Trước đó, trong tháng 2, JETRO đã thực hiện một cuộc khảo sát khẩn cấp ý kiến doanh nghiệp về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với tình hình sản xuất kinh doanh. Thời điểm đó dịch chỉ mới bùng phát nên một số doanh nghiệp trả lời chưa rõ về ảnh hưởng của dịch.

Tuy nhiên do ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng toàn thế giới, hạn chế di chuyển về nhân sự dẫn đến hạn chế hoạt động của doanh nghiệp kéo dài nên trong lần khảo sát vào tháng 3, nhiều doanh nghiệp đã cảm nhận rõ hơn ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo