Thị trường

Đồng Nai: Gia tăng lợi ích nhờ trồng bắp lấy thân

Bước chuyển từ trồng bắp (ngô) lấy hạt sang trồng bắp lấy thân non phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi đang mang lại những kết quả ngoài mong đợi, mang lại lợi ích lớn cho người dân huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai).

Trở thành tỷ phú từ mô hình trồng bưởi sạch ở Đồng Nai / Bình Thuận: Trồng ớt xiêm đỏ bán tới Tết, chưa hái xong thương lái đã "a lô"

Thu trăm triệu/ha

Kể từ năm 2010, mô hình trồng bắp lấy thân non được khuyến khích phát triển trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng mạnh của các hộ nông dân bởi hiệu quả vượt trội về kinh tế và an toàn lao động (ATLĐ).

Trồng ngô lấy thân tại Cẩm Mỹ đang cho hiệu quả vượt trội

Trồng ngô lấy thân tại Cẩm Mỹ đang cho hiệu quả vượt trội

Sở hữu hơn 4 ha trồng bắp lấy thân, ông Lê Văn Bắc (xã Xuân Đông) chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi trồng bắp lấy hạt, hiệu quả rất thấp, đến vụ lại phập phù lo thời tiết, mỗi năm chỉ trồng được 2 – 3 vụ, lãi 10 – 12 triệu đồng/ha. Kể từ năm 2012, tôi quyết định chuyển sang trồng bắp lấy thân, hiệu quả vượt trội”.

Theo tính toán của ông Bắc, trồng bắp bán cây non thường kéo dài 70-80 ngày/vụ. Thời gian sinh trưởng ngắn nên các chi phí như phân bón, thuốc trừ sâu được tiết giảm. Đặc biệt, gia đình không phải tốn tiền công thu hoạch, tuốt hạt, phơi bắp.

Các hộ triển khai mô hình cũng được huyện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, kiến thức về sản xuất an toàn, đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao ATLĐ trong quá trình canh tác.

“Hơn 7 năm triển khai trồng bắp lấy thân, bình quân mỗi năm tôi trồng 3 vụ bắp bán cây và một vụ bí đỏ. Chỉ tính riêng bắp, với năng suất 40 tấn cây tươi/ha, giá bán trung bình 800 đồng/kg, tôi thu gần 400 triệu đồng/năm”, ông Bắc hào hứng chia sẻ.

 

Cũng đang gặt hái nhiều thành công với cây bắp lấy thân, ông Đỗ Văn Quý (xã Xuân Tây) cho hay quyết định chuyển từ trồng lúa sang trồng bắp giúp gia đình ông tăng thu nhập gấp 3 lần. Hiện, với hơn 2 ha trồng bắp, bình quân mỗi năm ông Quý thu về hơn 200 triệu đồng.

“Không chỉ lợi nhuận kinh tế tăng, việc liên kết với các doanh nghiệp, HTX để trồng bắp lấy thân đòi hỏi người dân phải nâng cao kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới, qua đó, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, gia tăng ATLĐ, vệ sinh thực phẩm”, ông Quý nhấn mạnh.

Mở rộng thị trường

Nguồn nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi từ thân ngô đang hướng tới xuất khẩu

Nguồn nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi từ thân ngô đang hướng tới xuất khẩu

 

Hiệu quả vượt trội về giá trị kinh tế và ATLĐ đã tạo nên hiệu ứng lớn, thúc đẩy diện tích trồng bắp lấy thân non liên tục gia tăng trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ. Đến nay toàn huyện đã có 2.200 ha, triển khai 3 – 4 vụ/năm.

Bên cạnh phục vụ thị trường trong tỉnh, các sản phẩm thức ăn chăn nuôi chế biến từ cây ngô non đang được tiêu thụ và ưa chuộng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long như Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp…

Đặc biệt, kể từ năm 2017 đến nay, với sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn, cây bắp non đang được sơ chế, chế biến để hướng tới thị trường xuất khẩu.

Là một trong các đơn vị đi đầu trong chế biến và tiêu thụ cây bắp non, những năm qua, HTX Đông Tây đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, hiện đại hóa trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Ông Trung Vinh Phước – Giám đốc HTX, cho biết: “Khi bắt đầu, HTX bỏ ra gần 2 tỷ đồng mua dây chuyền băm, xay cây bắp tự động, sau đó liên kết với người dân để ổn định vùng nguyên liệu. Khi có đầu ra ổn định, HTX đã hợp đồng với nông dân xuống giống xen kẽ để có nguồn thức ăn tươi quanh năm”.

Cùng với chế biến thức ăn tươi phục vụ các trang trại chăn nuôi trong nước, HTX đã tham khảo phương pháp ủ chua cây bắp làm thức ăn dự trữ và xuất khẩu.

Năm 2018, lô bắp sơ chế đầu tiên của HTX được xuất khẩu sang Hàn Quốc, từ đó đến nay, trung bình mỗi năm HTX xuất khẩu đi 6.000 tấn thân cây bắp. Hiện tại, HTX đang liên kết tiêu thụ cây bắp cho trên 300 hộ nông dân với diện tích khoảng 270 ha.

Với những thành công đang có, UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư cho mô hình trồng bắp lấy thân. Để duy trì hiệu quả bền vững, huyện sẽ chủ động quy hoạch vùng sản xuất, chú trọng sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, đảm bảo ATLĐ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm