Thị trường

Đồng Nai: Nhiều hộ làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao

Nhờ mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều mô hình kinh tế tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã đưa lại thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế nông thôn mới cho địa phương này.

Sơn La: Lão nông làm giàu nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi / Hải Phòng: Ngư dân làm giàu từ nuôi ngao biển

Giàu lên nhờ phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Là một nông dân đam mê nông nghiệp công nghệ cao nên sau khi tham quan tìm hiểu, năm 2017 anh Nguyễn Ngọc Thiệt (ngụ ở xã Xuân Hưng, Huyện Xuân Lộc) đã mạnh dạn đầu tư khoảng 200 triệu đồng xây dựng 2 hệ thống nhà màng với diện tích 600m2 để trồng dưa lưới giống AB của công ty Khang Nguyên.

Mô hình sản xuất rau sạch ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc.

Mô hình sản xuất rau sạch ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc.

Để tiết kiệm công chăm sóc anh Thiệt đã áp dụng hệ thống tưới nước và bón phân tự động theo công nghệ Israel. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi cùng với việc tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên vườn dưa lưới của gia đình anh Thiệt phát triển rất tốt.

Sau 70 ngày chăm sóc vườn dưa của anh đã cho trái ngọt với trọng lượng trái đạt khoảng 1,5 đến 2kg/trái, vụ dưa đầu tiên trên diện tích 300 mét vuông với 800 cây dưa lưới anh thu được 1,2 tấn trái được thương lái thu mua tại vườn với giá dao động từ 50.000 đến 60.000/kg.

Cùng chung quan điểm phải dấn thân làm giàu, ông Nguyễn Dũng (ngụ ở xã Xuân Trường, Huyện Xuân Lộc) từ điểm xuất phát là một nông hộ có kinh tế tương đối khó khăn khi trước đó gia đình ông trồng nhiều giống như xoài, bưởi đầu ra không ổn định, giá cả lên xuống thất thường.

Do đó, ông Dũng đã mạnh dạn học hỏi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các cây giống mới. Theo đó, ông Dũng đã tiến hành quy trình ghép chuyển đổi giống xoài Cát Hòa Lộc trên thân giống xoài bưởi với diện tích hơn 2 ha và áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây xoài.

 

Với việc mạnh dạn áp dụng mô hình ghép cải tạo, đặc biệt là áp dụng hệ thộng tưới tiết kiệm, gia đình ông Dũng đã tiết kiệm được 50% lượng nước và 80 đến 90% công tưới so với tưới trực tiếp vào góc cây.

Ngoài ra, nhờ áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống tưới không chỉ cung cấp đủ độ ẩm cho cây, mà trái xoài cũng to đẹp và ít bị rám nắng hơn. Từ mô hình ghép cải tạo cây xoài và áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, mỗi năm cách trồng mới đã đem lại cho gia đình ông Dũng hàng trăm triệu đồng từ bán trái cây chất lượng cao.

Đổi thay ở làng Chơ Ro xã Xuân Phú nhờ áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.

Mở rộng đầu tư công nghệ cao

Từ chính những hiệu quả từ nông nghiệp công nghệ cao đã tạo động lực cho các cá nhân, hộ gia đình tại Xuân Lộc, Đồng Nai tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất.

Qua tìm hiểu của PV Infonet, hiện trên địa bàn huyện Xuân Lộc đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Dự án cánh đồng lớn trồng chuối theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP xuất khẩu đi Hàn Quốc.

 

Trong đó, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) đã hợp tác cùng nông dân ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật mới (từ khâu sản xuất giống chuối cấy mô đến quy trình trồng, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm).

Cụ thể, 2 doanh nghiệp này đã đầu tư hẳn xưởng sơ chế, bảo quản, đóng gói chuối với quy mô lớn ngay tại vùng chuyên canh... Từ thành công bước đầu, huyện Xuân Lộc đang tập trung hỗ trợ để mở rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tất cả các xã trên địa bàn huyện.

Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là “chìa khóa” để nâng cao năng suất, gia tăng giá trị nông sản trên cùng một diện tích đất canh tác, do đó huyện Xuân Lộc đã luôn chú trọng thúc đẩy ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cụ thể, các hoạt động chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật tới hội viên nông dân được tăng cường. Qua đó, nông dân có thêm những kiến thức mới ứng dụng vào sản xuất, làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, cách làm truyền thống, góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình.

Ông Phan Thanh Xứng - Phó chủ tịch Hội nông dân Huyện Xuân Lộc cho biết, để thúc đẩy hội viên nông dân tham gia ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chúng tôi đã tập trung tuyên truyền để hội viên hiểu được mục đích ý nghĩa của việc áp dụng khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

 

Đồng thời, hội cũng tích cực phối hợp với phòng nông nghiệp trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật và một số cơ quan liên quan tổ chức hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân. Nhờ các hội thảo chuyên đề, bà con thấy được lợi ích nên đã chủ động vận dụng vào quá trình sản xuất của mình.

Ngoài ra, các mô hình tạo nguồn vốn sản xuất (từ quỹ hỗ trợ nông dân) để hỗ trợ cho bà con, qua đó đã có nhiều hộ không có điều kiện phát triển sản xuất nhưng đã vay được vốn nên mạng dạn đầu tư và thu được kết quả khả quan.

"Có thể khẳng định rằng, việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giúp nhiều nông dân trên địa bàn huyện Xuân Lộc vươn lên làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương, qua đó góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp của địa phương này ngày càng phát triển.

Đây chính là yếu tố then chốt trong thực hiện Đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018- 2025", ông Xứng nói thêm.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm