Thị trường

Dòng tiền bị 'tắc' ở nhiều ngân hàng

Dư nợ cho vay giảm cho thấy ngân hàng đang gặp khó trong việc phát triển khách hàng mới do các doanh nghiệp chỉ tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp.

Covid-19 khiến lợi nhuận ngành ngân hàng phân hóa mạnh trong quý I/2020 / Thanh Hóa: Cận cảnh mô hình nuôi đông trùng hạ thảo của chàng kỹ sư trẻ

Nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm trong quý I/2020 (Ảnh minh hoạ)

Nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm trong quý I/2020 (Ảnh minh hoạ)

Tính đến hết quý I/2020 tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng đạt 1,3%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Việc tăng trưởng tín dụng chậm lại cũng được phản ánh khá rõ trong báo cáo tài chính (BCTC) quý I của các ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng âm

BCTC hợp nhất quý I/2020 mới công bố của Vietinbank cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 3, tổng tài sản có của ngân hàng ở mức 1,222 triệu tỷ đồng, giảm 1,46% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng giảm 1,25%, xuống còn 923 nghìn tỷ đồng.

Tiền gửi của khách hàng của ngân hàng cũng chỉ tăng trưởng nhẹ 0,33% so với đầu năm, ở mức gần 895,8 nghìn tỷ đồng.

 

Tương tự, tại MB, tổng tài sản của ngân hàng tính đến cuối tháng 3/2020 giảm 1,14% so với đầu năm, xuống còn hơn 406,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng ở mức 248 nghìn tỷ đồng, giảm 0,94% so với đầu năm, tiền gửi giảm 12%, còn 240,7 nghìn tỷ đồng.

BCTC của NCB cũng cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 3/2020, tổng tài sản sụt giảm hơn 12%, xuống mức 70.458 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng suy giảm 0,27% về 37.806,6 tỷ đồng.

Tại Saigonbank, hoạt động cho vay đã giảm tới 2,3% trong 3 tháng đầu năm, còn 14,2 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, tiền gửi khách hàng vào ngân hàng cũng sụt giảm 0,8% về mức 15.543 tỷ đồng

Điều này đã khiến thu nhập lãi thuần trong kỳ của Saigonbank giảm 5% so với quý I/2019, còn 152 tỷ đồng.

"Ngân hàng 0 đồng" PGBank cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm trong quý I/2020. Theo đó, tổng tài sản của PGBank ở mức gần 31,4 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,64% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng giảm 1,6%, còn 23,3 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận từ cho vay trong kỳ của ngân hàng cũng giảm 10%, xuống còn 193 tỷ đồng.

 

Không chỉ cho vay trên thị trường 1 (giao dịch giữa ngân hàng với dân cư và các tổ chức kinh tế), BCTC của các ngân hàng cho thấy cho vay trên thị trường 2 (cho vay giữa các tổ chức tín dụng) cũng đang giảm mạnh.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 3/2020, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng ở Vietcombank ghi nhận ở mức 176,5 nghìn tỷ đồng, giảm tới 29,2% so với đầu năm; Vietinbank ở mức 126.351 nghìn tỷ đồng, giảm 2,4%; Techcombank cũng giảm tới 35,4% so với đầu năm, xuống còn gần 31 nghìn tỷ đồng; HDBank giảm 23,3%, ở mức 18.930 nghìn tỷ đồng; SeABank chỉ dành 16,6 nghìn tỷ đồng, cho vay tại các tổ chức tín dụng, giảm 34,3%.

Lãi vay sẽ giảm trong quý II?

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tín dụng tăng trưởng âm ở nhiều ngân hàng không mới và lạ, dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh nên nhu cầu vay vốn hạn chế…, chưa kể các ngân hàng buộc phải chủ động cân nhắc các khoản vay mới do tình hình kinh doanh vẫn khó khăn, điểm xếp hạng tín dụng của các khách hàng sụt giảm khiến rủi ro nếu cho vay mới tăng lên.

Giải thích lý do tín dụng sụt giảm mạnh, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh do không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, tiêu dùng và xuất khẩu đều giảm mạnh, nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra đều khó khăn.

 

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp. “4 ngân hàng TMCP quốc doanh muốn đẩy mạnh vốn vay mà không thể cho vay được”, ông Hùng cho biết thêm.

Bước sang quý II/2020, các chuyên gia đánh giá dịch bệnh đã được khống chế, nền kinh tế bắt đầu phục hồi, song khả năng khởi động lại vẫn còn yếu ớt. Do đó, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế được dự báo sẽ chậm.

Để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong quý II. Trong báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam quý II/2020, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá: "Xu hướng giảm nhiều khả năng sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới. Quan sát mối quan hệ giữa lãi suất cho vay và lãi suất điều hành, chúng tôi nhận thấy xu hướng đồng pha rõ rệt, nhất là trong trường hợp thanh khoản hệ thống gặp vấn đề. Xu hướng lệch pha trong thời gian 3 năm trở lại đây chủ yếu do quy định kiểm soát thanh khoản từ Ngân hàng Nhà nước (giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn".

“Có thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng cho từng ngân hàng, ưu tiên các ngân hàng đã đạt Basel II, với ước tính từ 2 - 3 điểm phần trăm trong quý III, thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng”, KBSV nhận định.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm