Thị trường

Nông sản Việt có thể 'đánh chiếm' thị trường ASEAN?

Nhiều nước trong ASEAN có các loại sản phẩm nông nghiệp giống của Việt Nam, giá nhiều loại rẻ hơn, song điều đó không có nghĩa là nông sản Việt không còn cơ hội để chiếm lĩnh thị trường này.

Covid-19 khiến lợi nhuận ngành ngân hàng phân hóa mạnh trong quý I/2020 / Thanh Hóa: Cận cảnh mô hình nuôi đông trùng hạ thảo của chàng kỹ sư trẻ

Tác động của dịch Covid-19 khiến xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU giảm mạnh, ngược lại thị trường ASEAN lại nổi lên như một điểm sáng. Bộ NN&PTNT cho biết 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nông sản sang các nướcASEANđạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 7,1% và chiếm 10,49% thị phần.

Nhiều tín hiệu khả quan

Đáng chú ý, để đạt được mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản với kim ngạch 42 tỷ USD, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang ASEANphải tăng 9%, từ đó bù đắp sự sụt giảm của thị trường EU, Mỹ.

Quả nhãn Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với nhãn Thái Lan (Ảnh: Tư liệu)

Quả nhãn Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với nhãn Thái Lan (Ảnh: Tư liệu)

Lâu nay, ASEAN được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng nhưng khó tận dụng bởi nhiều lý do như sản phẩm tương đồng Việt Nam, giá cả rẻ hơn của Việt Nam, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan đã phát triển nông nghiệp với trình độ cao hơn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang tạo ra nhiều cơ hội để nông sản Việt Nam chinh phục thị trường này.

Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, trước nguy cơ Singapore bị đứt gẫy nguồn cung, không đảm bảo được an ninh lương thực, Thương vụ đã chủ động kết nối với các hiệp hội ngành hàng của nước sở tại và của Việt Nam nhằm tranh thủ cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Tính riêng trong tháng 3/2020, Thương vụ đã kết nối được hơn 20 đơn hàng trong các lĩnh vực mặt hàng khác nhau (cà phê, mì ăn liền, khoai lang, bắp cải, bí, cà tím, dứa, dưa hấu, thanh long…), ước khoảng 500 tấn hàng từ Việt Nam.

Được biết, theo thống kê của Cục Doanh nghiệp Singapore, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong tháng 2/2020 đã tăng 49% so với tháng 1/2020 và tăng 102,78% so với cùng kỳ năm 2019.

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Singapore, từ ngày 15-16/5,Cục Xúc tiến thương mại (Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu) và Thương vụ Việt Nam tại Singapore sẽ phối hợp với Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam - Singapore 2020, kết hợp hội thảo chia sẻ các cơ hội và cách thức thâm nhập thị trường Singapore cho các mặt hàng này từ các chuyên gia ngành hàng tại Singapore. Hội nghị sẽ chia các phiên giao thương theo từng lĩnh vực, chủ đề hợp tác. Căn cứ trên nhu cầu giao thương của các doanh nghiệp Việt Nam, Ban tổ chức sẽ mời các doanh nghiệp Singapore tham gia vào các phiên giao thương và trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Các chuyên gia nhận định, đây sẽ là cơ hội để nông sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Singapore nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung.

Theo bà Bùi Kim Thuỳ, Đại diện tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN(USABC), lâu nay không phải vì chúng ta chinh chiến ở thị trường lớn mà bỏ quên thị trường gần - ASEAN. Thực tế, doanh nghiệp không hề quên. Lý do, kim ngạch xuất khẩu sang ASEANchưa đúng với tiềm năng là vì các thị trường xung quanh Việt Nam có nền sản xuất tương đồng, sản phẩm tương đồng, có một số sản phẩm ngon, giá tốt hơn chúng ta nên họ không nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, một lý do không thể không nhắc tới là hàng Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Dẫn câu chuyện từ thị trường Singapore, bà Thùy cho biết đây là quốc gia phát triển nền kinh tế dịch vụ, hầu như không sản xuất gì, tuy nhiên thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp cận được thị trường này do tiêu chuẩn kỹ thuật của họ rất khắt khe.

Bà Thùy dẫn chứng: "Mọi người đã sang Singapore đều nhìn thấy những quả dừa trắng bóc ở mọi quán ăn của quốc gia này, song đáng tiếc xuất xứ của quả dừa này là của Thái Lan, chứ không phải Việt Nam. Việt Nam là cường quốc về dừa nhưng không dễ dàng đưa quả dừa vào Singapore, một phần vì trước đây chúng ta không thể đảm bảo chất lượng nước dừa theo tiêu chuẩn như phía Singapore yêu cầu. Đó cũng là lý do nhiều nước từ chối quả dừa Việt Nam".

Tuy nhiên, theo bà Thùy, câu chuyện trên là của trước đây. Hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã xử lý được vấn đề chất lượng của nước dừa, từ đó không chỉ thị trường Singapore mà Úc đã chào đón trái dừa của Việt Nam.

 

Quan trọng là cách làm

Từ bài học của trái dừa, chuyên gia Bùi Kim Thùy nhấn mạnh, ở đâu nông sản Việt Nam cũng có cơ hội, vấn đề là chúng ta cần phải lựa chọn sản phẩm đặc biệt với chất lượng tốt, đi cùng chiến lược tiếp thị truyền thông khác biệt không lặp lại của đối tác, chắc chắn chuyện chinh phục thị trường ASEANchỉ là chuyện nhỏ.

Từ kinh nghiệm nghiên cứu hơn 10 năm về thị trường Thái Lan (từ nguồn cung nông sản cho tới khâu đóng gói, bao bì, nhãn mác), bà Nguyễn Thị Thành Thực,Chủ tịch CTCP Bagico cho rằng Việt Nam có nhiều sản phẩm ngon, hương vị hấp dẫn hơn của Thái Lan như sầu riêng, nhãn, vải thiều... Điều đó chứng tỏ nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan, thay vì chấp nhận đứng dưới "bóng" của họ.

Bà Thực nói: "Có nhiều sản phẩm của Việt Nam trùng lắp với Thái Lan như sầu riêng, nhưng thực tế nhiều vùng sầu riêng Việt Nam ngon hơn của họ, hay ngay quả nhãn, chúng ta luôn bị từ Thái Lan đứng sau ám ảnh. Tuy nhiên, tôi khẳng định những vùng trồng nhãn ở Đồng Tháp (Việt Nam) sản xuất ra quả nhãn thơm ngon hơn của Thái Lan".

Tại sao Việt Nam không thể đưa nông sản chiếm lĩnh người tiêu dùng, khách du lịch ở trên chính đất Thái Lan? Bà Thực cho rằng muốn làm được điều này, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực trong việc xây dựng chuỗi liên kết, năng lực làm truyền thông, bán lẻ...

 

Cụ thể, Thái Lan có những chuỗi trồng trọt giống biến đổi gen theo quy mô công nghiệp, Việt Nam cũng có nhưng còn ít. Hay như các sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan được đẩy mạnh chế biến, đây là điểm mà Việt Nam chưa làm được. Đáng chú ý, riêng về bán lẻ, Thái Lan có những tập đoàn đa quốc gia về bán lẻ ở nước ngoài, những "ông lớn" này đã mạnh tay thôn tính nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, là bước đệm để nông sản Thái Lan đẩy mạnh tiêu thụ tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, ngoài Trung Quốc, Việt Nam có thể phát triển thị trường ASEAN. Với vai trò Chủ tịch ASEANtrong năm nay, Việt Nam có thể tổ chức những hội nghị về nông nghiệp, không chỉ giúp Việt Nam đưa nông sản Việt đến các nước Đông Nam Á, mà còn đưa sản phẩm của Đông Nam Á ra thế giới.

Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tính đến ngày 15/4/2020, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 1,57 triệu tấn, trị giá 721,1 triệu USD, giảm 8,6% về lượng và 2,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

 

Ước tính khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4/2020 đạt 400 nghìn tấn với giá trị 185 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo và giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2020 đạt 1,92 triệu tấn và 886 triệu USD, giảm 7,9% về khối lượng và giảm 0,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 36,7% thị phần, sản lượng đạt 594,2 nghìn tấn (tăng 8,2%), giá trị đạt 257,2 triệu USD (tăng 19,1%) so với cùng kỳ.

Các thị trường khác cũng có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Trung Quốc (gấp 4,37 lần), Đài Loan (gấp 2,79 lần) và Indonesia (tăng 92,1%); thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnhnhất là Bờ Biển Ngà (giảm 70,7%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2020 đạt 461,9 USD/tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (87,7 triệu USD, chiếm 64,3%), Phillipines (19,5 triệu USD, chiếm 14,3%) và Malaysia (11,8 triệu USD, chiếm 8,6%). Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Kiribati (20,3 triệu USD, chiếm 45,6%), Đảo quốc Solomon (4,6 triệu USD, chiếm 10,4%) và Philippines (3,5 triệu USD, chiếm 7,8%).

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 496,1 triệu tấn, giảm khoảng 0,6% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2019 đạt 490,2 triệu tấn, tăng khoảng 0,9% so với năm 2019. Đây sẽ là cơ hội cho ngành lúa gạo Việt Namđẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực, cũng như trên thế giới.

 


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm