Thị trường

Dòng vốn FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam

DNVN - Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhấn mạnh, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Khu vực tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong đóng góp thu ngân sách Nhà nước.

Doanh nghiệp FDI vẫn chiếm thế thượng phong về xuất khẩu / Các địa phương đẩy mạnh thu hút vốn FDI

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, dòng vốn FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Tính đến ngày 30/11/2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện FDI đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1%, đánh dấu mức cao nhất trong 5 năm qua.

Tính đến đầu tháng 12/2024, Việt Nam đã thu hút được 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Về nguồn vốn đầu tư tư nhân, tính chung 9 tháng đầu năm 2024, mức tăng đạt 7,1%, phản ánh niềm tin ngày càng tăng của doanh nghiệp trong nước. Khu vực tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong đóng góp thu ngân sách Nhà nước.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện VEPR cho rằng vốn thực hiện FDI năm 2024 tăng 7,1%, đánh dấu mức cao nhất trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2020-2024 ở một số lĩnh vực còn chưa đạt kỳ vọng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2024 chưa đạt được mục tiêu. Thâm hụt cán cân thanh toán đã gây áp lực lên tỷ giá.

Động lực tăng trưởng tiêu dùng nội địa chủ yếu đến từ doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống (tăng 13%); doanh thu du lịch lữ hành (tăng 17,3%). Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại tăng trưởng mạnh mẽ nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng trong năm 2024.

Để thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025, Phó Viện trưởng Viện VEPR khuyến nghị cần cải cách và tinh gọn bộ máy Nhà nước. Hoạt động cải cách này cần hướng tới hệ thống thể chế và quản lý hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ.

Đối với những rủi ro ngắn hạn, cần đảm bảo dư địa chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Trong trung hạn, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh; thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững.

“Trong dài hạn, cần xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm đồng thời đảm bảo việc giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả”, ông Việt khuyến nghị.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm