Dự án điện mặt trời ngàn tỷ, kỳ vọng “biến cát trắng… đẻ ra tiền”
Quốc hội đang chú ý đặc biệt đến doanh nghiệp nợ thuế / Doanh nghiệp Việt tính 'chơi lớn' xuất khẩu ôtô
Địa phương đang nỗ lực thúc đẩy các dự án năng lượng; trong đó, dự án điện mặt trời đầu tiên sắp vận hành được kỳ vọng sẽ khai thác tối đa nguồn tài nguyên.
Nhà máy điện mặt trời ngàn tỷ sắp hoàn thành trên đồi cát
Nhiều người nhớ và nhắc đến mảnh đất Quảng Trị với “gió Lào, cát trắng”, những yếu tố khắc nghiệt nhất mà thiên nhiên đã “ưu ái” cho địa phương này. Thế nhưng, sau nhiều năm kiên trì kêu gọi đầu tư, nỗ lực cải cách hành chính, địa phương bắt đầu đón những “luồng gió mới” để phát triển.
Chỉ chưa đầy nửa năm sau khởi công, gần 60 ha cát khô cằn, hoang hóa thuộc 2 xã Gio Thành, Gio Hải (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã được thay thế bằng dự án điện mặt trời ngàn tỷ. Đây là dự án điện mặt trời đầu tiên tại địa phương này, giúp khai thác tối đa nguồn năng lượng mặt trời và kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển tỉnh Quảng Trị.
Dự án điện mặt trời do Công ty cổ phần Licogi 13 làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 1.087 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm. Công suất định mức của Nhà máy là 49,5MWp; điện năng sản xuất hàng năm dự kiến đạt 67,63 triệu kWh/năm, điện áp đấu nối 110kV.
Ông Phạm Văn Lực – Phó Ban điều hành Dự án Nhà máy điện mặt trời LIG-Quảng Trị, cho biết: Đến nay dự án đã đi đúng tiến độ mà chủ đầu tư mong muốn. Hiện tại khối lượng công việc đạt được trên 70% trong đó gồm: lắp tấm pin được 50%; giá đỡ tấm pin 80%; đối với 12km đường dây điện 110kV nối từ nhà máy đến Trạm biến áp ở Quán Ngang đã xong phần móng và đang dựng cột. Dự kiến đến 15/4 là sẽ hoàn thành công tác dựng cột và rải dây.
Quá trình thực hiện dự án rất thuận lợi về các chính sách ưu đãi của địa phương cũng như về bàn giao mặt bằng, giải phóng mặt bằng. Những yếu tố này góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ của nhà máy nhanh và hiệu quả.
Dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị là một trong những dự án đặc biệt được ưu đãi đầu tư theo danh mục ngành nghề quy định tại Nghị định 118 của Chính phủ; trong đó bao gồm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất và các hình thức hỗ trợ ưu đãi đầu tư của tỉnh Quảng Trị.
Chỉ trong vòng 2 tháng sau có quyết định cấp giấy phép đầu tư, Ban điều hành dự án đã nhanh chóng triển khai đền bù cho 70 hộ dân bị ảnh hưởng trong diện tích mặt bằng triển khai dự án và khoảng 400 hộ bị ảnh hưởng trong thi công gần 12km đường dây đấu nối vào Trạm biến áp Quán Ngang, với số tiền trên 8 tỉ đồng.
Dự kiến, đến cuối tháng 4/2019, nhà máy điện mặt trời LIG-Quảng Trị sẽ hoàn thành và đưa vào chạy thí nghiệm, vận hành thử, đấu nối trong vòng 2 tháng. Đến khoảng cuối tháng 6/2019 sẽ tổ chức khánh thành và đi vào hoạt động chính thức.
Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo
Tỉnh Quảng Trị là địa phương có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Trong định hướng phát triển, tỉnh chủ trương biến những cái khó khăn, bất lợi trở thành tiềm năng để phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, địa phương đang tập trung phát triển công nghiệp năng lượng, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm điện năng của miền Trung, ưu tiên các dự án điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện các ưu về đãi thuế, thuê đất đai.
Ông Trần Văn Đoàn - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết: Dự án Nhà máy điện mặt trời LIG-Quảng Trị được triển khai rất nhanh, nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích và kỳ vọng của tỉnh Quảng Trị rất lớn. Tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, quá trình thi công thực hiện. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn. Với mục tiêu biến bất lợi thành tài nguyên để khai thác hiệu quả, sắp tới năng lượng tái tạo sẽ là nguồn tài nguyên quan trọng mà tỉnh Quảng Trị đang tận dụng tối đa để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Ngoài dự án Nhà máy điện mặt trời LIG-Quảng Trị, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang triển khai xây dựng 3 dự án điện mặt trời khác, với tổng công suất gần 200 MWp.
Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Chủ trương của tỉnh, sử dụng đất ở vùng không thể khai thác được, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như vùng cát để xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Có những dự án như vậy phát triển trên địa bàn Quảng Trị thì tỉnh sẽ sớm trở thành trung tâm năng lượng.
Ông Trần Văn Đoàn - Trưởng BQL Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị:
“Năm 2019, sẽ có 7 dự án chuẩn bị khởi công: Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy vừa được Chính phủ phê duyệt, Nhà máy Nhiệt điện 1 cũng có đầy đủ các thủ tục để khởi công. Hai dự án có tổng mức đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam với chiều dài 23,5 km, rộng 50 m sẽ tạo sự thu hút lớn để các nhà đầu tư dựa vào đó xây dựng các KCN, KKT, nhà xưởng; theo nhu cầu phát triển kinh tế. Tỉnh Quảng Trị cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để hỗ trợ, đón đợi các nhà đầu tư lớn vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương". |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam