Thị trường

Quốc hội đang chú ý đặc biệt đến doanh nghiệp nợ thuế

DNVN - Có doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, giải thể rồi thành lập lại doanh nghiệp, chuyển địa điểm kinh doanh để trốn thuế, trây ì nộp thuế, tạo ra khoản nợ đọng thuế lớn cho ngân sách nhà nước...

Chính phủ xin rút đề xuất tăng thuế xăng kịch khung 8.000 đồng/lít / VOBF 2019: Bệ phóng cho những bứt phá vượt giới hạn của thương mại điện tử Việt Nam

Chiều 13/3, tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của Chính phủ, số thu hồi nợ đọng thuế trong thời gian qua năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ 2011-2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. (Ảnh: TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31-12-2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31-12-2016. Trong đó, cơ quan Thuế quản lý 73.145 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.108 tỷ đồng) so với thời điểm 31-12-2016, bằng 7,6% tổng thu nội địa năm 2017; cơ quan Hải quan quản lý 5.320 tỷ đồng, giảm 2,8% (153 tỷ đồng) so với thời điểm 31-12-2016.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp, quy định này là chế tài xử lý cần thiết. Tuy nhiên do người nộp thuế bị coi là chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản không có khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng qua thời gian. Tổng số tiền chậm nộp trên sổ sách kế toán cơ quan thuế của các đối tượng nêu trên là 10.465 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.
Từ đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về xử lý nợ đọng thuế để xử lý tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng; xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu ngân sách do người nộp thuế thực tế đã phá sản nhưng không thực hiện các thủ tục phá sản theo quy định pháp luật, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. (Ảnh: TTXVN)
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Thài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, những năm qua, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật Quản lý thuế cùng các đạo luật khác về thuế dẫn đến việc thay đổi các các chính sách thuế. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định để giải quyết các vấn đề về nợ thuế tồn đọng trong thời gian dài.
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân mất khả năng thanh toán hoặc ngừng kinh doanh nhưng chưa làm thủ tục giải thể, phá sản; có nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự nhưng không được xóa nợ do không bảo đảm các điều kiện quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành.
Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý, cấp phép kinh doanh chưa thực sự hiệu quả dẫn tới có nhiều doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, sau đó đăng ký thành lập doanh nghiệp mới cũng là nguyên nhân gây nợ đọng thuế lớn.
Nợ thuế từ các tổ chức, cá nhân không còn kinh doanh chưa được giải quyết kéo dài qua các năm khiến tỷ lệ nợ thuế không có khả năng thu hồi ngày càng tăng và đã chiếm gần 44,9% trên tổng số tiền thuế nợ tính đến cuối năm 2017. Do đó, việc ban hành Nghị quyết xử lý nợ thuế là cần thiết.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, đây là nghị quyết đặc thù, nhạy cảm, với các chính sách được ban hành chưa được quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành, có phạm vi rộng, tác động khá lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước, sự công bằng giữa các đối tượng, tâm lý của người nộp thuế và tính nghiêm minh của pháp luật về thuế, cần rà soát nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho phép bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội và giao Chính phủ, Cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, quyết định vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019).
Sau khi thảo luận, UBTVQH thống nhất, tuy việc xóa nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp là công việc thường xuyên nhưng cần xem xét thận trọng, nghiêm túc, công bằng, công khai và đúng pháp luật; tránh tình trạng lạm dụng, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để trốn thuế.
UBTVQH quyết định, chờ sau khi Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7; đề nghị Chính phủ căn cứ tình hình thực tế và quy định của Luật Quản lý thuế (sửa đổi), tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại phiên họp này để rà soát, hoàn thiện lại dự thảo nghị quyết này, đề nghị UBTVQH trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm của đối tượng nộp thuế, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan quản lý thu thuế để Quốc hội xem xét.
Mới đây, Bộ Tài chính đã dự thảo nghị quyết trình Chính phủ với đề xuất dự kiến xóa nợ 27.753 tỷ đồng tiền thuế đối với người nộp thuế đã phá sản, không còn sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp ngân sách.
Bộ Tài chính đánh giá, việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách cơ bản sẽ không ảnh hưởng tác động tới thu, chi ngân sách và không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, mặc dù các khoản nợ này tồn tại nhưng không còn đối tượng để thu, không có khả năng thu được và hàng năm không thực hiện giao dự toán thu đối với các khoản nợ này.
Nguyệt Thu (Theo Reuters)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm