Thị trường

Dự báo tích cực về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu

DNVN - Theo dự báo của Bộ Công Thương, với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.

10 năm thị trường trái phiếu Chính phủ: Những kết quả nổi bật / Tuyên Quang: Nhiều HTX, tổ hợp tác tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi trâu

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV/2019 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/12 tại Hà Nội, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7-8% của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 472 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm.
"Với đà tích cực này, theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, qua đó khẳng định nỗ lực của Nhà nước, các bộ - ngành và cộng đồng doanh nghiệp", bà Nguyễn Cẩm Trang nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đóng góp của Bộ Công Thương vào kết quả tích cực trên, bà Trang cho biết: Trong năm 2019, công tác quản lý điều hành hoạt động xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Theo đó, Bộ tiếp tục đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp các Bộ, ngành liên quan kết thúc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA); thỏa thuận về hợp tác thúc đẩy thương mại. Tính đến nay, nước ta Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì họp báo thường kỳ chiều 12/12/2019.

Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các Hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, v.v...
Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP. Công tác tuyên truyền, phổ biến về các Hiệp định FTA đã thực thi khác và Hiệp định EVFTA cũng được chú trọng thời gian qua. Kết quả ban đầu thông qua số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA đem lại. Tổng kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đặc biệt, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như sang Canada, Mexico.
Công tác tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại được Bộ Công Thương quan tâm chú trọng. Bộ Công Thương đã và đang chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp, đồng thời đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại bất hợp lý.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại mà nòng cốt là Chương trình XTTM quốc gia nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu, giữ vững và phát triển thị trường trong nước trong điều kiện Việt Nam tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết và đi vào thực thi. Bộ Công Thương luôn cố gắng nghiên cứu, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, phù hợp với từng giai đoạn để đạt được hiệu quả hỗ trợ cao nhất các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ cũng tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp, tăng cường đưa các thủ tục hành chính lên cổng thông tin trực tuyến để giảm chi phí và thời gian cho DN.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian trước hết cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của chính cộng đồng doanh nghiệp khi các doanh nghiệp đã nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình để tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các cấp, ngành đã góp phần không nhỏ cho kết quả trên.
Ngoài ra, trong thời gian, Bộ Công Thương đã rất làm tốt công tác xúc tiến thương mại. Gần đây, Bộ Công Thương và các DN đã rất chủ động trong việc ứng dụng thương mại điện tử để bán hàng. Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Amazon để tiếp tục hỗ trợ các DN bán hàng thành công trên sàn thương mại điện tử này.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm