Thị trường

Hòa Bình: HTX hỗ trợ người dân giảm nghèo

Từ khi HTX Nông, lâm nghiệp Bảo Hiệu (Đa Phúc-Yên Thủy-Hòa Bình) thành lập và đi vào hoạt động với mô hình trồng cây dược liệu đã giúp không ít hộ gia đình tại đây có việc làm và thu nhập, nhiều hộ cũng thoát nghèo nhờ mô hình trồng cây dược liệu của HTX.

Hà Nội thành lập mới 112 HTX / Vĩnh Long: Sản xuất sạch ở HTX Hồi Tường

HTX Nông, lâm nghiệp Bảo Hiệu phát triển cây cà gai leo dựa vào thế mạnh tự nhiên của vùng đất Yên Thủy cùng với sự hỗ trợ của một dự án phát triển cây dược liệu.

Hỗ trợ người dân

Các thành viên HTX quyết định lựa chọn cà gai leo là đối được chính để phát triển sản xuất. Hiện HTX đã trồng được 25ha. Ngoài 10 thành viên, HTX còn liên kết với người dân và doanh nghiệp để ổn định đầu vào và đầu ra cho chuỗi sản xuất. Dưới sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các thành viên và người dân đã thành thục các công đoạn làm đất, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch.

Điểm đặc biệt là diện tích cây trồng phải không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không sử dụng thuốc diệt cỏ và giống biến đổi gen, chính vì vậy, để hoàn thiện được quy trình sản xuất, HTX đã phải mất rất nhiều công sức, nhất là việc thay đổi thói quen sản xuất của người dân.

Tuy nhiên dưới sự hỗ trợ của doanh nghiệp và HTX, người dân đã nắm được những kỹ thuật cơ bản, chú trọng quy trình sản xuất nhằm bảo đảm lợi nhuận cho chính mình. Trước khi trồng, để bảo đảm chất lượng và kinh tế cho các hộ tham gia, HTX đã ký kết chỉ trồng cà gai leo trên diện tích đất phù hợp, theo quy hoạch đã thống nhất. Kiên quyết không trồng ở những vùng trũng, thấp, không có hệ thống thoát nước để đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm.

Cây cà gai leo giúp người dân giảm nghèo

Cây cà gai leo giúp người dân giảm nghèo

Nhờ diện tích cây trồng bảo đảm chất lượng của doanh nghiệp thu mua chế biến, HTX xuất bán với giá ổn định 35.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ha cà gai leo đạt doanh thu trên 400 triệu đồng. Hiện cà gai leo của HTX được doanh nghiệp thu mua về chế biến thành các loại trà túi lọc, cao cà gai leo và bán rộng rãi trên thị trường.

Không dừng lại ở đó, HTX đã tổ chức ươm cây giống và cung cấp giống cho bà con trong và ngoài tỉnh. Tới nay, năng lực cung ứng của HTX đạt hơn 300.000 cây giống/năm.

Anh Nguyễn Thành Văn, hộ gia đình liên kết với HTX, chia sẻ, do chỉ bán lấy 2 vụ lúa nên đời sống của người dân chỉ dừng lại ở mức đủ sống qua ngày. Từ khi được HTX hỗ trợ trồng cây cà gai leo, chúng tôi đã thay đổi được nhiều điều. Liên kết với HTX cũng là tạo đà để thoát nghèo bền vững, nhiều hộ đã từng bước phát triển kinh tế từ cây cà gai leo vì được hỗ trợ về giống, phân bón kỹ thuật lẫn thị trường.

Mô hình giảm nghèo

 

Mặc dù diện tích còn khiêm tốn so với nhu cầu thu mua của nhiều doanh nghiệp nhưng mô hình sản xuất của HTX Bảo Hiệu là hướng đi mới và là cây mang lại thu nhập cao cho xã Đa Phúc nói riêng và toàn huyện Yên Thủy đến thời điểm này.

Anh Nguyễn Văn Anh, xã Đa Phúc Cho biết anh vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ các cán bộ kỹ thuật, anh dần nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây cà gai leo, nên cây không ngừng phát triển, tạo ra nguồn thu nhập hằng ngày tăng nhanh, kinh tế của gia đình anh ngày một khấm khá hơn.

“Sau khi được HTX và địa phương tuyên truyền về cây dược liệu, tôi bắt đầu vay vốn và mua cây giống về trồng. Nhờ áp dụng đúng phương pháp kỹ thuật và kiên trì chăm sóc nên cây đã phát triển khá tốt, bước đầu cho tôi thu hồi lại số vốn đã bỏ ra khá nhanh. Gia đình tôi nhờ vào diện tích cây cà gai leo kí kết với HTX đã thoát nghèo và tôi cũng hy vọng nó sẽ giúp gia đình tôi phát triển kinh tế vững hơn nữa”- anh Anh chia sẻ.

Từ mô hình ban đầu của HTX đến nay đã có hàng trăm hộ ở xã Đa Phúc tham gia trồng cà gai leo, cùng với diện tích của các xã lân cận. Hiện HTX là một trong những đơn vị đứng ra hỗ trợ người dân cũng như ký kết các hợp đồng với doanh nghiệp thu mua chế biến, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người dân trồng cây cà gai leo.

Khi liên kết với HTX, người dân đều phải ký cam kết bảo đảm thực hiện đúng theo quy trình đã được hướng dẫn, không được tự ý bán dược liệu cho thương lái hay đơn vị khác khi giá thị trường tăng. Khi bảo đảm được những điều này, HTX cũng là đơn vị tư cách pháp nhân trước pháp luật khi liên kết với doanh nghiệp.

 

Theo Giám đốc Bùi Quý Hợi, do điều kiện thị trường ngày càng nghiêm ngặt nên người dân buộc phải nâng cao nhận thức trong sản xuất, thay đổi cách nghĩ cách làm thì mới làm ăn lớn và mang lại hiệu quả bền vững. Chỉ có liên kết với doanh nghiệp bằng hợp đồng để tạo thành chuỗi giá trị, người dân mới phát triển kinh tế và bảo đảm mọi quyền lợi. Chỉ có như vậy, người dân mới có thể thoát nghèo và làm giàu bền vững.

Có thể thấy cà gai leo là loài cây thực sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất so với các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện. Chính vì vậy, mô hình kinh tế của HTX Bảo Hiệu thực sự là mô hình giảm nghèo hiệu quả cho người dân Yên Thủy. Hiện, HTX đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến và vườn ươm giống tại xã Đa Phúc để làm tốt các bước trong chuỗi giá trị, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng lợi nhuận cho thành viên và người dân.

Giám đốc Bùi Quý Hợi cho biết: HTX luôn tin tưởng vào hướng đi đã chọn. Có hướng đi đúng và mạnh dạn, sáng tạo, HTX sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm