Thị trường

EVFTA mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư

DNVN - Theo Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Ấn Độ sang đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam, hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0% trong khi hàng dệt may của Ấn Độ phải nộp 9,6% thuế.

EVFTA tác động thế nào đến "nồi cơm" của người dân Việt? / EVFTA và EVIPA - “Chất xúc tác” giúp Việt Nam hút vốn FDI

Nhận định này đã được Đại sứ Phạm Sanh Châu đưa ra tại Hội nghị giao thương trực tuyến “Việt Nam - Ấn Độ: Mô hình hợp tác mới trong hoàn cảnh Covid 19” do Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (Assocham) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức tại các đầu cầu Hà Nội - New Delhi - Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/6.
Với việc ngành công nghiệp xơ sợi, dệt vải rất phát triển, Ấn Độ có thể sản xuất ra hầu hết các loại vải, nguyên phụ liệu ngành may mặc và hiện đang nằm trong nhóm ba nước cung cấp hàng dệt may hàng đầu thế giới. Trong khi Việt Nam muốn đẩy mạnh hơn nữa sản xuất và xuất khẩu, Ấn Độ có thể là nguồn cung vải và sợi chất lượng cho Việt Nam, giúp thu hẹp khoảng cách, thậm chí là nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây chính là thị trường để ngỏ mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực sợi, dệt cần khai thác.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu tại Hội nghị.

Sáng ngày 8/6/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn với tỷ lệ tán thành rất cao, 100% đại biểu có mặt. Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, dệt may sẽ là một trong năm ngành có nhiều cơ hội tăng cường xuất khẩu từ Việt Nam sang EU.
Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu - người đã từng tham gia đoàn đàm phán trong thời gian làm Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu, trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của ta, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 07 năm. Cam kết này của EU phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ hai công đoạn của ngành dệt may Việt Nam, tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ từ Việt Nam.
Để được hưởng ưu đãi này, các doanh nghiệp Ấn Độ cần đẩy mạnh đầu tư và mở nhà máy tại Việt Nam trong những lĩnh vực Ấn Độ có lợi thế như sản xuất vải, dệt nhuộm…
Tổng quy mô của ngành dệt may Ấn Độ đạt khoảng 140 tỷ USD với thị trường nội địa 100 tỷ USD và xuất khẩu trị giá 40 tỷ USD sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Ấn Độ trong thời gian tới. Đồng thời, với quy mô tổng thể của ngành dệt may Việt Nam vào khoảng 45 tỷ USD, cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may như bông, sợi, hàng may sẵn và vải.
Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhất trí với những sáng kiến của Đại sứ Việt Nam và nhất trí hai đại sứ quán sẽ tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, thành lập những nhóm làm việc chung.
Đại sứ Verma cho biết, thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng với doanh nghiệp Ấn Độ vốn có thế mạnh trong các lĩnh vực dệt may dược phẩm, thép và nông nghiệp và công nghệ thông tin.
Trong khi đó, ông Shantanu Srivastara, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò của tăng cường kết nối, thúc đẩy các gói tín dụng bên ngoài những gói trong lĩnh vực quốc phòng, tạo những vùng thuận lợi trong đầu tư, kinh doanh và giao lưu nhân dân, tăng cường sự hiện diện của các ngân hàng và đặc biệt doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn đầu tư sang Ấn Độ.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm