GDP quý I/2021 dự báo có thể chỉ tăng 4,46%
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong: Phát triển kinh tế trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ / Bức tranh kinh tế Việt Nam tháng 1/2021
Cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã báo cáo Chính phủ những cập nhật mới nhất về kịch bản tăng trưởng năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 có nhiều dấu hiệu khởi sắc với nhiều điểm sáng. Kinh tế trong nước tiếp tục duy trì xu hướng phục hồi, trọng tâm ưu tiên vẫn hướng vào tiếp tục duy trì các hoạt động tạo cơ sở cho khôi phục kinh tế và cải thiện đà tăng trưởng năm 2021.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 từ cuối tháng 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, ước tính GDP quý I/2021 có thể chỉ tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, ngay cả trong trường hợp dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý I.
Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm).
Thực tế, ảnh hưởng của dịch bệnh là có thể nhìn thấy được ngay, thậm chí với từng doanh nghiệp, từng địa phương. Theo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), là đơn vị có nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất tại tỉnh Quảng Ninh, TKV chịu tác động lớn của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này.
Việc tiêu thụ nông sản tại các khu vực có dịch của Hải Dương và Quảng Ninh cũng đang gặp nhiều khó khăn, trong khi tác động của dịch tới hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Cộng Hòa của tỉnh Hải Dương là rõ ràng.
GDP quý I/2021 của Việt Nam dự báo có thể chỉ tăng 4,46%.
Những yếu tố tác động tới kinh tế vĩ mô
Năm 2021, Chính phủ xác định xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Bên cạnh “cỗ xe tam mã” và những giải pháp củng cố nền tảng vĩ mô và tiềm lực của nền kinh tế, Chính phủ hết sức chú ý tới các giải pháp, nhiệm vụ hướng tới mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tạo sức bật, sự bứt phá cho nền kinh tế trong tương lai xa hơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dù có tác động của đại dịch, dự báo tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực do nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng như tiếp tục thực hiện cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư. Các hiệp định tự do thương mại đang bắt đầu được phát huy tích cực.
Tuy vậy, tình hình kinh tế vĩ mô trong năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của 07 yếu tố. Cụ thể, kinh tế thế giới còn rất bất định, rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn đang hiện hữu; các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam.
Dịch COVID-19 kèm theo là gia tăng chi phí logistics đối với hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.
Việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn trong khi thiếu điều phối có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế trong nước.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, qua đó ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước.
Khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư - kinh doanh cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.
Nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước.
Cuối cùng, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ… không chỉ ở thị trường Mỹ.
Bên cạnh những thách thức, cũng có nhiều tín hiệu đáng mừng, nhất là những kết quả cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Kết quả chỉ số Môi trường Kinh doanh (Business Climate Index - BCI) mới nhất từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy các doanh nghiệp châu Âu kết thúc năm 2020 với góc nhìn lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, ghi nhận ở mức cao nhất kể từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19.
Một diễn biến đáng chú ý khác, với những giải trình minh bạch và hợp tác về các hành vi, chính sách và hành động của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), trong báo cáo mới nhất, đã không đề cập hay đề xuất Chính phủ Mỹ áp thuế, sử dụng biện pháp trừng phạt với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, chúng ta phải chạy đua với thời gian để bà con nhân dân cả nước ngoài vùng dịch, và kể cả trong vùng dịch, sớm yên tâm sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị đón Tết, Tết cũng là dịp để nhiều người có thêm những thu nhập bù lại khó khăn trong cả năm qua trong điều kiện bình thường mới. Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương tiếp tục nghiên cứu, mạnh dạn thử nghiệm các mô hình phong tỏa, cách ly mới trên tinh thần “gọn, nhỏ, an toàn”, phong toả cố gắng ở quy mô nhỏ nhất có thể để hạn chế tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo