Chuyển đổi số

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong: Phát triển kinh tế trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ

DNVN - TP.HCM tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Triển khai đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Ngân hàng khuyến khích khách hàng chuyển đổi sang dùng thẻ chip / Ông Nguyễn Thiện Nhân: TP Thủ Đức sẽ là trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn trong nước và quốc tế

Ba mốc mục tiêu phát triển đến năm 2045

Chủ tịch UBND TP.HCM - Nguyễn Thành Phong cho biết, nhìn lại nhiệm kỳ qua (2015 - 2020), TP.HCM tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí vươn lên, quyết tâm khắc phục những tồn tại, yếu kém, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực; tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cả nước (tỷ trọng đóng góp trên 22% GDP, 27% thu ngân sách cả nước, năng suất lao động bình quân cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước…) và đóng góp nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình quản lý kinh tế - xã hội của đất nước.

Có thể thấy, việc xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút các dòng vốn đầu tư, qua đó, nâng vị thế Việt Nam lên một nấc mới trên bản đồ thế giới.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay, ý tưởng xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính đã có từ nhiều năm trước. Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, trong ngắn hạn, thành phố sẽ xây dựng trung tâm tài chính ở cấp độ quốc gia. Trong trung hạn, thành phố định hướng nâng lên ở tầm khu vực. Trong dài hạn, Trung tâm tài chính TP.HCM trở thành tâm điểm thu hút các nguồn cung, cầu về các sản phẩm tài chính đầu tư, kinh doanh; thu hút các định chế tài chính, tổ chức kinh tế hàng đầu trên thế giới.

Ngay thời điểm này, Trung tâm tài chính TP.HCM đang thực hiện cung cấp dịch vụ tài chính cho các quốc gia lân cận như: Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei. Tiếp đó, thành phố hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính không chỉ cho các nước trong khối ASEAN mà cả khu vực Châu Á và rộng hơn.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, trên cơ sở định hướng của Trung ương, cụ thể là kết luận của Bộ Chính trị tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy góp ý văn kiện Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố, cùng với nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương, đó là:

Đến năm 2025: Thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.

Đến năm 2030: Là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biếtt trước mắt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trên 5 lĩnh vực, như: GRDP bình quân hàng năm khoảng 8%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên…

Phát triển kinh tế trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ

Để thực hiện mục tiêu trên, theo ông Phong, trong nhiệm kỳ tới, TP.HCM tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm mà cụ thể là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Trong đó, có việc triển khai thực hiện đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế và chủ trương này đã được đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực ưu tiên (công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch và quản lý đô thị); tiếp tục phát huy vai trò trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước.

Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G. Không chỉ vậy, TP.HCM sẽ xây dựng thành phố trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác.

 TP.HCM sẽ tập trung chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM.

TP.HCM sẽ tập trung chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM.

Cùng với đó, thành phố sẽ chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng khuyến khích sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, phần mềm, sản phẩm số. Theo ông Nguyễn Thành Phong, đây là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và tài nguyên đất đai.

TP.HCM tiếp tục hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, thương hiệu của thành phố, hỗ trợ các doanh nghiệp của thành phố có uy tín, đủ năng lực tham gia cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Xây dựng thành phố thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước. Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tăng hàm lượng khoa học, công nghệ trong các công đoạn nhằm mang lại giá trị gia tăng cao. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thành phố cũng sẽ xây dựng thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Thông qua việc phát huy tối đa các lợi thế sẵn có và đầu tư bổ sung cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông – TP Thủ Đức trở thành một cực tăng trưởng mới cho thành phố và cả Vùng.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tăng hàm lượng khoa học, công nghệ trong các công đoạn nhằm mang lại giá trị gia tăng cao trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố.

Thành phố cũng tiến hành các bước quy hoạch và xây dựng mới các khu công nghiệp có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ vận dụng sáng tạo để xây dựng các chương trình đột phá, như: Chương trình đột phá phát triển hạ tầng TP.HCM, đó là tập trung phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư.

Đối với chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP.HCM, sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM, khẳng định sự đồng hành và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hợp tác các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển. Chú trọng phát triển sản phẩm và thương hiệu sản phẩm, nâng cao tỉ lệ cung ứng sản phẩm đặc trưng của thành phố trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm