Giá gạo Việt Nam đắt nhất thế giới: Doanh nghiệp có nên "đu đỉnh"?
Đà Nẵng rà soát, thống kê quỹ đất tái định cư / Thêm lựa chọn cho đường bay tới Canada
Giá gạo xuất khẩu "vượt mặt" Thái Lan
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022. Với sản lượng lúa dự kiến như trên, ngoài bảo đảm an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Trong 7 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, trị giá hơn 2 tỷ USD. So với những năm trước, con số này tăng khoảng 15-20%, tăng về cả giá trị lẫn sản lượng xuất khẩu.
Đáng chú ý, theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong phiên giao dịch ngày 19/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vượt giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và đắt nhất thế giới.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng lại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn trong khi loại gạo này của Thái Lan có giá 561 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 19/8 cao hơn của Thái Lan 10 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn 57 USD/tấn. Theo đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới.
Doanh nghiệp cần cẩn trọng
Chia sẻ về thông tin giá gạo Việt Nam đắt nhất thế giới, PGS,TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, trước hết đây là tin vui, bởi lẽ, từ trước đến nay, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo của Thái Lan. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu tăng cao sẽ đẩy giá gạo trong nước cũng tăng. Do đó, việc các doanh nghiệp cần xem xét, tính toán như thế nào cho hợp lý lúc này là vấn đề “căng não”.
“Sự biến động về giá này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tăng và đứng ở mức rất cao nhưng sau đó sẽ giảm xuống và trở về mức cân bằng. Mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo, “đu đỉnh” sẽ dẫn đến “già néo đứt dây”, chuyên gia nhìn nhận.
Trong khi đó, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết, lúa gạo tăng giá, người nông dân vui mừng, đời sống của họ được trực tiếp cải thiện. Điều này tạo động lực để người dân giữ đất, thâm canh sản xuất, chủ động thay đổi các giống lúa chất lượng cao. Từ đó, số lượng và chất lượng của đầu ra lúa gạo được tăng lên.
Không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng mừng bởi doanh thu, lợi nhuận từ xuất khẩu lúa gạo tăng cao.
“Theo tôi, điều mừng lớn nhất là tuy thị trường lúa gạo thế giới biến động lớn nhưng thị trường tiêu dùng nội địa vẫn được duy trì ổn định. Từ những điều kể trên, có thể thấy, đây là một tín hiệu tích cực góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này”, chuyên gia nhận định.
Tích trữ vừa đủ
Tuy vậy, theo ông Phú, thị trường bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý. Mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong rổ tính giá CPI.
Chính vì vậy, làm sao phải kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân. Gạo là mặt hàng thiết yếu, nếu bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo. Điều này cần sự quan tâm và chung tay kiểm soát từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành đến người dân và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và xuất khẩu gạo của Việt Nam, Bộ Công Thương đã liên tục đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu gạo vừa tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 07 với những giải pháp dài hơi. Trong đó yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý với mặt hàng gạo…
Cho rằng an ninh lương thực là vấn đề sống còn của nền kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, không thể để chuỗi cung ứng bị đứt gãy, người dân thiếu lương thực hoặc phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu. Để có được an ninh lương thực thì trước hết phải có tích trữ phù hợp.
Bên cạnh đó, cần xem xét mức độ chúng ta bán được đến đâu. Bởi việc bán được hàng hóa với mức giá hấp dẫn cũng là cơ hội không phải khi nào cũng có.
“Tích trữ là cần thiết, nhưng cần vừa đủ. Cần tính toán cẩn trọng, nếu không, khi mùa vụ mới đến, thị trường gạo trở về trạng thái bình thường, gạo tồn trong kho không bán được giá cao sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cho ngành gạo”, ông Thịnh nêu.
Cùng góc nhìn, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, không thể vì giá lúa gạo tăng cao mà ta tăng theo mãi. Không nên quá đặt lợi ích ngắn hạn mà phải tìm cách giữ được bạn hàng. Giả thiết đặt ra, nếu như Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lúa gạo, có khi Việt Nam lại “trượt chân” trên chính sân nhà.
Theo chỉ thị của Thủ tướng, cần làm ngay việc quy hoạch lại vùng trồng lúa bảo đảm sản lượng một năm phải đạt 42 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn.
Ngoài ra, cần phải tính toán lại chi phí vận chuyển logistics và các chi phí khác phục vụ cho xuất khẩu. Hiện nay, chi phí logistics của Việt đang cao hơn từ 17 – 20%, thậm chí gấp đôi so với các nước tiên tiến. Đây chính là nguyên nhân làm giảm năng lực cạnh tranh, một rào cản vô hình đối với lúa gạo xuất khẩu.
Thêm vào đó, hiện nay số lượng kho cảng rất ít, thậm chí có tình trạng làm cảng rồi nhưng không có đường ra cảng. Việc triển khai, xây dựng hệ thống cảng bãi không đồng bộ cũng gây khó khăn cho xuất khẩu lúa gạo. Chính vì vậy, Việt Nam nên phát triển những phương tiện vận chuyển hiệu quả như đường biển, đường sắt.
“Các bộ, ngành liên quan phải tìm cách hiệu quả nhất để nâng cao năng lực xuất khẩu lúa gạo trên thị trường quốc tế. Từ việc hoàn thiện chuỗi sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cho tới hệ thống kho bãi, cảng biển xuất khẩu”, chuyên gia kiến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo