Thị trường

Gia Lai: Nuôi bò lai cho hiệu quả kinh tế cao

Với gần 400.000 con bò, tỉnh Gia Lai là địa phương có số lượng bò đứng thứ hai của cả nước (sau Nghệ An), chiếm 49,9% của khu vực Tây Nguyên.

Leonardo DiCaprio bắt tay với Tim Cook / Miền Tây nhiều nơi nuôi loài cá ví như sâm nước, bán đắt tiền

Tuy nhiên, đa số bò nuôi nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bị ảnh hưởng bởi nhiều tập tục địa phương cùng phương thức chăn thả tự nhiên khiến chất lượng bò thịt không cao, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò vẫn còn thấp. Với tỉ lệ bò lai của tỉnh chỉ đạt xấp xỉ 40%, tỉnh Gia Lai đã và đang áp dụng nhiều chương trình nhằm tăng tỉ lệ bò lai trên địa bàn tỉnh.
Gia đình chị Rơ Chăm Ngân, dân tộc Jrai, ở làng Muông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah (Gia Lai) đầu tư nuôi bò góp phần tăng thu nhập. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Gia đình chị Rơ Chăm Ngân, dân tộc Jrai, ở làng Muông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah (Gia Lai) đầu tư nuôi bò góp phần tăng thu nhập. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Krông Pa là địa phương có nhiều bò nhất tỉnh Gia Lai, với trên 62.000 con, chiếm 16,1% so với tổng đàn bò của tỉnh, song tỉ lệ bò lai chỉ đạt khoảng 20%. Nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ việc đa số đàn bò được chăn nuôi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 60 – 70%), cùng với việc được nuôi trong nông hộ theo phương thức truyền thống, nguồn thức ăn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên hiệu quả chăn nuôi không cao.

Từ tháng 10/2017, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã triển khai dự án “Phát triển giống bò thịt chất lượng cao tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai”. Mục tiêu của dự án là đến tháng 10/2020, sẽ tạo ra 3.000 con bò lai thông qua thụ tinh nhân tạo với các giống con lai Brahman, Charolaise, Red Angus, Limousine và B.B.B; đồng thời khối lượng của bò lai theo hướng chuyên thịt sẽ cao hơn đàn bò địa phương từ 20 - 30% ở các giai đoạn sinh trưởng.

Bên cạnh đó, dự án cũng đào tạo nhân lực, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho bà con nông dân, xây dựng mô hình chăn nuôi bò cái lai sinh sản kết hợp thụ tinh nhân tạo, nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình so với tập quán chăn nuôi truyền thống từ 15 – 30%.

Ông Mai Xuân Văn, trú xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cho biết, gia đình ông nuôi bò từ năm 1984, song chủ yếu vẫn là các giống bò cỏ, cùng phương thức chăn nuôi truyền thống khiến hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, từ khi được chọn làm điểm tham gia dự án “Phát triển giống bò thịt chất lượng cao tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai”, gia đình ông đã chuyển sang chăn nuôi bò lai theo hướng chuyên thịt (lai Reed Angus), đồng thời được dự án hỗ trợ sửa sang chuồng trại và cám cho bê con, nên hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt.

“Một con bê con giống bò cỏ trước kia nuôi một năm chỉ được khoảng 100kg thôi, trong khi bê con giống bò chuyên thịt nuôi một năm có thể đạt 350kg. Với giá bán hơi hiện nay từ 65.000 – 70.000 đồng/kg thì trong một năm, con bê giống chuyên thịt bán được hơn 20 triệu, gấp hơn ba lần so với trước kia”, ông Mai Xuân Văn cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Kiềm, dẫn tinh viên của dự án “Phát triển giống bò thịt chất lượng cao tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai”, hiện nay, đa số bò tại huyện Krông Pa đều được thương lái thu mua theo dạng cân hơi nên không phản ánh đúng giá trị thực của giống bò chuyên thịt.Bởi theo tính toán của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, tỉ lệ thịt của bò lai Reed Angus đạt từ 52 – 56%, trong khi giống bò cỏ chỉ đạt từ 30 – 35%. Vì vậy, người dân địa phương vẫn mong chờ có doanh nghiệp thu mua bò thịt chuyên biệt dành riêng cho loại bò lai, để người nông dân được hưởng lợi nhuận thực từ giống bò của dự án.

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai – đơn vị giám sát dự án “Phát triển giống bò thịt chất lượng cao tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai” cho biết, việc thu hút các doanh nghiệp chế biến sâu về huyện Krông Pa để thu mua bò thịt đang được tỉnh Gia Lai đẩy mạnh. Nếu làm được điều này, dự án không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân mà còn góp phần tạo ra sản phẩm gắn với đặc trưng riêng của bò Krông Pa, tiến tới xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và phát triển chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu bò Krông Pa.

Bên cạnh đó, từ tháng 10/2018 đến nay, dự án cấp không tinh bò lai đông lạnh của tỉnh đã cấp trên 6.000 liều tinh, sản xuất trên 4.000 con bê lai trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông cho biết, từ cuối năm 2018, ông được thụ hưởng chương trình cấp không tinh bò lai, mỗi lần phối giống bò chỉ phải trả tiền công. Hiện 2 con bò mẹ Bahman đã thụ thai được 5 tháng.

Ông Tâm chia sẻ, các giống bò từ chương trình rất đảm bảo bởi đã qua khâu xử lý và kiểm dịch của cơ quan chuyên môn nên chỉ cần một lần phối là bò mẹ đã mang thai, không tốn nhiều thời gian và tiền bạc như trước. Nếu chăm sóc bài bản, một con bê 3 tháng giống B.B.B bán được 8 - 10 triệu đồng, nếu 8 tháng có thể bán được 26 triệu đồng, cao hơn nhiều so với giống bò cỏ.

Ông Trịnh Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2020, dự án sẽ hỗ trợ 10.000 liều tinh miễn phí cho việc phối giống nhân tạo bò lai. Sau năm 2020, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục có những chương trình để duy trì hệ thống phối giống nhân tạo bò lai, tăng cường phát triển tỉ lệ đàn bò lai, không chỉ dừng lại ở 40%, mà còn tiến xa hơn nữa – điều mà tỉnh Gia Lai đã thực hiện từ năm 1998 đến nay.

“Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu được lợi ích của con bò lai, đồng thời phải loại thải các con bò đực địa phương, phát hiện kịp thời bò cái đòi đực để cách ly ra khỏi đàn, không đi chăn thả và gọi dẫn tinh viên đến phối giống để đảm bảo chất lượng giống bò lai nhân tạo”, ông Trịnh Quốc Việt cho biết thêm.

Trong khi đó, kỹ sư Tôn Thất Dạ Vũ, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, để phát triển đàn bò thịt chất lượng cao tại huyện Krông Pa nói riêng và các địa phương khác của tỉnh Gia Lai, ngành chức năng tỉnh Gia Lai cần tiếp tục áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo cho bò để nâng cao tầm vóc và chất lượng thịt; hoàn thiện quy trình chăm sóc và nuôi dưỡng bò lai theo hướng thịt chất lượng cao từ lúc sơ sinh đến 18 tháng tuổi dựa vào nguồn thức ăn sẵn có của địa phương.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức và kiến thức cho người chăn nuôi trong vùng về việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về cải tạo giống và phát triển nguồn thức ăn cho đàn bò lai thông qua tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt của người dân.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm