Thị trường

Gia Lai: Phát triển nông nghiệp bền vững ở Chư Sê

Chư Sê là một trong những vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất tỉnh Gia Lai, với những loại cây chủ lực như hồ tiêu, cao su, cà phê… Tuy nhiên, những năm qua, huyện đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng sản xuất an toàn, đem lại giá trị bền vững.

TPHCM: Trồng hoa lan trên 100m2 đất nông nghiệp cho thu nhập trăm triệu/năm / Liên kết trồng xoài xuất khẩu

Hiệu quả trong chuyển đổi

Năm 2018, sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thế mạnh của địa phương, UBND huyện Chư Sê đã trích kinh phí gần 200 triệu đồng giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chọn 6 hộ dân ở xã Al Bá triển khai thí điểm mô hình trồng dâu nuôi tằm.

Chư Sê đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp

Chư Sê đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp

Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại kết quả tích cực. Các hộ sản xuất ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật được đào tạo, năng suất, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán bình quân đạt 110.000 – 120.000 đồng/kg.

Là một trong 6 hộ tham gia phát triển mô hình, ông Nguyễn Đình Thấn chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của xã, tôi chuyển đổi 4 ha hồ tiêu, cà phê sang trồng dâu. Đến nay, 9 sào dâu và 5 hộp tằm của gia đình tôi đang phát triển rất tốt, năng suất bình quân đạt 55 – 60 kg kén/hộp. Giá bán ổn định, tôi thu về trên 50 triệu đồng/năm”.

Mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Chư Sê cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và cho thấy tiềm năng phát triển rất khả quan.

Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chư Sê cho biết: “Toàn huyện hiện có khoảng 30 ha trồng cây dược liệu. Theo tính toán, mỗi ha trồng cây dược liệu cho thu nhập thấp nhất là 30 triệu đồng, cao là 600 triệu đồng/năm”.

 

Một loại cây trồng khác là măng tây xanh cũng đang được đầu tư phát triển mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân huyện Chư Sê trong thời gian qua.

Năm 2019, UBND huyện đã phê duyệt kinh phí hơn 700 triệu đồng để triển khai 3 mô hình trồng cây măng tây xanh ở xã Ia Hlốp và thị trấn Chư Sê với tổng diện tích khoảng 3 ha. Bên cạnh chủ động ứng dụng khoa học – kỹ thuật, huyện đã kết nối với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm với giá 60.000 đồng/kg.

Huyện đang chú trọng sản xuất an toàn, ATLĐ để đảm bảo hiệu quả bền vững sau chuyển đổi

Huyện đang chú trọng sản xuất an toàn, ATLĐ để đảm bảo hiệu quả bền vững sau chuyển đổi

Chú trọng sản xuất an toàn

 

Theo thống kê của Phòng NN& PTNT huyện Chư Sê, tính đến đầu tháng 6/2019, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 600 ha hồ tiêu bị chết sang trồng cây khác, trong đó có 200 ha trồng cây ăn quả, 30 ha trồng cây dược liệu, 10 ha trồng dừa, thanh long, rau, dâu, măng tây…

Để đảm bảo giá trị bền vững, bên cạnh đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, kết nối liên kết HTX, doanh nghiệp…, huyện đang chú trọng sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao tiêu chuẩn về an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh thực phẩm.

Một trong những điển hình trong phát triển sản xuất an toàn mang lại hiệu quả cao là HTX nông nghiệp và dịch vụ môi trường Việt Trí thành lập từ tháng 4/2018, với 9 thành viên chính thức, hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải và trồng dâu nuôi tằm.

Đến nay, bên cạnh lĩnh vực môi trường tạo việc làm cho hơn 10 lao động, HTX đang triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm cho 6 hộ gia đình với quy mô 2 ha.

Giám đốc HTX Nguyễn Đình Trí cho biết: “Bên cạnh nâng cao giá trị sản xuất, HTX luôn đảm bảo ATLĐ cho thành viên, người lao động. Với bất kỳ ngành nghề nào, đặc biệt là nông nghiệp, ATLĐ là yếu tố then chốt, vì chỉ khi có sức khỏe tốt, người lao động mới phát huy hết khả năng”.

 

Để khơi dậy tiềm năng nông nghiệp trên địa bàn, mới đây, Huyện ủy Chư Sê đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 có 20% diện tích đất canh tác nông nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; cơ giới hóa chăn nuôi đến 80%; xây dựng 1-2 thương hiệu là sản phẩm cây trồng, vật nuôi đặc trưng của huyện…

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm