Giá nông sản ngày 21/2/2024: Cà phê quay đầu giảm, hồ tiêu tiếp tục tăng 2.000 đồng/kg
Nhu cầu mua vàng ngày Thần Tài tăng cao nhưng trọng lượng tập trung dưới 2 chỉ / Những 'động lực' giúp xuất khẩu tháng 1 tăng trưởng khả quan
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 80.900 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 80.800 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 81.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 81.500 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 81.500 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 81.400 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 81.700 đồng/kg, 81.600 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 81.500 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 80.800 - 81.700 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2024 giảm 32 USD/tấn, ở mức 3.248 USD/tấn, giao tháng 5/2024 giảm 26 USD/tấn, ở mức 3.146 USD/tấn. Tại sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2024 tăng 0,75 cent/lb, ở mức 191,60 cent/lb, giao tháng 5/2024 giảm 0,45 cent/lb, ở mức 186,25 cent/lb.
Ảnh minh họa. Ảnh: Đặng Út.
Câu chuyện nông dân chờ giá cà phê tăng giá năm nào cũng diễn ra. Tuy vậy, để trở thành nông dân "thông thái", bán nông sản với giá cao thì không có nhiều. Với chị Nguyễn Thị Hoài, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa thì may mắn đến nhiều lần.
Vụ mùa này, gia đình chị Hoài thu hoạch được 1,3 tấn cà phê nhân. Chị Hoài chia sẻ: “Nông dân làm lụng vất vả cả năm cốt mong đón bán được giá tốt nên mấy ngày Tết, tôi vẫn thường xuyên theo dõi giá cà phê để chớp thời cơ. Qua theo dõi, những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, có thời điểm giá cà phê nhân đã đạt 80.000 đồng/kg, cao nhất trong 20 năm gần đây. Tuy nhiên, tôi đang chờ thêm vài ngày nữa, nếu giá cao hơn sẽ bán. Nếu không có giá cao hơn thì mức giá 80.000 đồng/kg cũng tốt vì cao rồi”.
Chị Hoài cho biết, nhiều năm qua, gia đình thu hoạch xong cà phê chưa bán ngay mà chờ ra Tết mới bán vì thường đây là thời điểm giá cao.
“Trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, khi cà phê có giá xấp xỉ 40.000 đồng/kg, thấy mọi người bán ra nhiều tôi cũng sốt ruột nhưng vẫn cầm cự. Ra Tết, tôi bán với giá 51.000 đồng/kg nhưng vẫn thấy tiếc vì rẻ mấy giá”, chị Hoài tâm sự.
Anh Mai Văn Tuế, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa cũng cho biết, gia đình có hơn 1 tấn cà phê nhân sản xuất theo tiêu chuẩn nông sản sạch. Hiện nay, gia đình đang được đối tác đặt mua cao hơn giá thị trường 15.000 đồng/kg và chờ giá cao sẽ giao hàng.
HTX Thanh Thái, xã Nam Nung, huyện Krông Nô có 240 hộ dân tham gia sản xuất khoảng 500 ha cà phê. Ông Lang Thế Thành, Giám đốc HTX Thanh Thái cho biết: “Hiện nay, HTX chỉ có vài chục hộ còn cà phê chưa bán. Họ đang đợi giá cao hơn mới bán”.
Ông Thành phân tích: “Giá cà phê khoảng 30.000 đồng/kg thì nông dân chỉ mới hòa vốn. Trong khi đó, nhiều năm qua, mặt hàng này chỉ quanh quẩn ở mức 30.000 - 40.000 đồng/kg. Vì thế, những hộ cầm cự đến thời điểm này là những hộ có kinh tế khá”.
Đến nay, sản lượng cà phê mà nông dân Đắk Nông chưa bán ước chỉ còn khoảng 10% tổng sản lượng năm 2023. Thực tế, đa số nông dân Đắk Nông trước Tết khi giá cà phê ở mức 60.000 - 70.000 đồng đã bán phần lớn sản lượng.
Theo các hộ dân, nhiều năm qua, giá cà phê ở mức thấp. Đa số nông dân phải vay mượn tiền mua phân bón để chăm sóc cà phê nên khi giá cà phê tăng và thấy có lời thì bán để tất toán công, trả nợ trước Tết.
Giá nông sản ngày 21/2: Hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh 1.500 - 2.000 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 89.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đạt mức 89.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 89.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 87.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đạt mức 86.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 86.500 - 89.500 đồng/kg.
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 264.094 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 236.148 tấn, tiêu trắng đạt 27.946 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 906,5 triệu USD, bao gồm 770,6 triệu USD tiêu đen và 135,9 triệu USD tiêu trắng. So với năm 2022, lượng xuất khẩu tăng 13,8%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại giảm 8% do giá xuất khẩu giảm ở mức bình quân khoảng 420 USD/tấn đối với tiêu đen và 635 USD đối với tiêu trắng.
Tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) năm 2024 mới đây, ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó Chủ tịch VPSA đã chỉ ra một loạt khó khăn của ngành hồ tiêu trong năm vừa qua. Trước tiên là nhu cầu giảm ở các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ do lượng hàng tồn kho sau đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều và cuộc chiến Nga – Ukraine phần nào gây ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của ngành hồ tiêu.
Đặc biệt, trong năm 2023, các nhà mua hàng chỉ mua ở những thời điểm giá thấp. Cụ thể, theo ông Nguyễn Tấn Hiên, vào đầu năm 2023, khi giá hồ tiêu trong nước ở mức 58.000 - 60.000 đồng/kg, nước ngoài mua rất nhiều và các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với khối lượng rất lớn ở mức giá này. Nhưng đến giữa tháng 2/2023, khi giá nội địa tăng mạnh lên khoảng 75.000 đồng/kg, nước ngoài lại ngừng mua, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phải miệt mài gom hàng giá cao để giao cho những hợp đồng giá thấp đã ký trước đó.
Đến tháng 4/2023, khi doanh nghiệp đã giao xong các hợp đồng giá thấp và nhu cầu thị trường vẫn đứng im, giá nội địa quay đầu giảm về mức 67.000 - 70.000 đồng/kg, khách hàng nước ngoài lại ký hợp đồng mua trở lại. Mức giá này được giữ cho đến tháng 11/2023, khi Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 230.000 tấn, tức là lượng tồn kho trong dân không còn nhiều, giá nội địa lại tiếp tục tăng mạnh tới 88.000 đồng/kg.
“Các doanh nghiệp nghĩ rằng đây là cơ hội lớn để bán ra cho mùa vụ 2024, nhưng khi chào mức giá này, không có khách nào mua, sau đó giá đã giảm về mức 80.000 đồng/kg” – ông Hiên cho biết.
Một khó khăn nữa mà các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023 là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước trồng hồ tiêu, đặc biệt là Brazil. Với giá đất rẻ, thổ nhưỡng phù hợp với cây tiêu và việc áp dụng cơ giới hóa vào việc trồng, chăm sóc và thu hoạch, giá thành hồ tiêu của Brazil luôn thấp hơn Việt Nam 600-700 USD/tấn. Do đó, Brazil sẵn sàng bán với mức giá thấp hơn Việt Nam 300-500 USD/tấn, gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp. Ngay cả ở trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cạnh tranh với nhau rất gay gắt. “Nếu cứ tiếp tục cạnh tranh bằng giá như hiện nay, đến một lúc nào đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ không còn nguồn lực để tái đầu tư, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường” - ông Hiên lo ngại.
Cùng với đó là thách thức về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu. Không chỉ riêng châu Âu mà thị trường Mỹ cũng chuẩn bị áp dụng mức dư lượng rất ngặt nghèo. Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu cũng đe dọa đến năng suất của vườn tiêu. Đặc biệt, giá cà phê, sầu riêng tăng cao cũng dẫn tới nguy cơ diện tích vườn tiêu bị thu hẹp trong tương lai. Bên cạnh đó là những khó khăn về giá cước vận tải biển tăng mạnh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp. Theo ông Hiên, trong năm 2023, cứ mỗi tấn hồ tiêu xuất khẩu, doanh nghiệp phải chịu thiệt hại 150-250 USD do giá cước tàu tăng.
Ở thời điểm hiện tại, vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2024 đã bắt đầu tại một số huyện của tỉnh Đắk Nông, tuy nhiên lượng thu hoạch chủ yếu rải rác tại một số huyện và chưa nhiều. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên vụ thu hoạch năm nay trễ hơn năm ngoái. VPSA dự kiến sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 ước đạt 170 ngàn tấn, giảm 10,5% so với năm 2023. Giá được kỳ vọng sẽ khả quan hơn sau tết Nguyên đán khi các thương lái Trung Quốc gia tăng sức mua trên thị trường, nhất là thời điểm đầu quý 2 hàng năm. Thêm vào đó các thị trường khác cũng sẽ phải bắt đầu mua trở lại mặc dù kinh tế vẫn đang bị khủng hoảng, điều này có thể làm cho lượng hàng tồn cuối năm tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, ông Hiên nhận định, bên cạnh những thách thức kéo dài từ năm 2023 qua về vấn đề dư lượng, giá cước…, ngành hồ tiêu còn phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong năm 2024. Theo đó, năm 2024 là năm có sản lượng tồn kho từ năm trước chuyển qua thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Bởi lượng xuất khẩu trong năm 2023 đã khá lớn so với sản lượng trong nước sản xuất được. “Vào tháng 11/2023, khi giá hồ tiêu nhảy vọt lên gần 90.000 đồng/kg, nhiều doanh nghiệp muốn gom vài trăm tấn nhưng cũng không có hàng, chứng tỏ lượng tồn kho trong dân còn rất thấp” – ông Hiên cho biết.
Theo ông Hiên, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2024 có thể sẽ ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Tại các nước sản xuất hồ tiêu khác như Ấn Độ, Indonesia, Brazil, sản lượng được dự báo cũng sẽ giảm. Điều này dẫn tới lượng hồ tiêu nhập khẩu vào Việt Nam cũng sẽ giảm trong năm 2024. Bởi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hồ tiêu từ Indonesia, song giá hồ tiêu của nước này ngày càng đắt đỏ khi khách hàng của Indonesia chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc - vốn sẵn sàng trả giá cao. Do đó, Indonesia chỉ bán cho Việt Nam khi nguồn cung dư thừa.
Còn với Brazil, dù có giá thấp hơn Việt Nam nhưng với tình hình hạn hán, mất mùa, người dân Brazil cũng sẽ không vội bán ra với giá rẻ. “Hiện Brazil đang chào giá thấp hơn Việt Nam khoảng 50-100 USD/tấn. Nếu nhập về với mức giá này để chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam không thể có lời được” - ông Hiên nhận định.
Với lượng tồn kho thấp, sản lượng dự báo giảm và lượng nhập khẩu thấp hơn, ông Nguyễn Tấn Hiên cho rằng, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2024 có thể sẽ đạt mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo