Giá thịt lợn tăng cao có tốt cho người chăn nuôi?
DNVN - Việc bình ổn giá thịt lợn không chỉ để bảo vệ người tiêu dùng (NTD) mà còn hướng đến cả người sản xuất - chăn nuôi, tức là nguồn cung. Tình trạng thịt lợn tăng giá trong thời gian qua liên quan đến nguồn cung, còn tiêu dùng không biến động. Có phải để giá thịt lợn ở mức cao như hiện nay sẽ tốt cho ngành chăn nuôi hay không? ...
Thịt lợn Nga ồ ạt về Việt Nam, ép giá hàng trong nước / Kết nối với DN nhập khẩu trong nước để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn
Những thông tin này đã được đặt ra và phân tích tại Hội thảo “Thịt lợn – Bình ổn giá vì quyền lợi người tiêu dùng” do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội.
Giá thịt lợn tăng cao gây rủi ro cho người chăn nuôi
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng dẫn số liệu khảo sát của Hội trong hai ngày 12 và 13/5 cho thấy, giá thịt lợn tại siêu thị Vinmart trên đường Xuân Diệu (Hà Nội): thịt ba rọi giá 209.000 đồng/kg, thịt thăn 206.000 đồng/kg; thịt lợn sạch, ba rọi 286.900 đồng/kg, sườn thăn 295.000 đồng/kg. Tại các chợ dân sinh Hà Nội như: Nguyễn An Ninh, chợ phiên Nghĩa Đô, chợ tạm Hoàng Cầu, giá thịt nạc vai 165.000 đồng/kg, ba rọi 160.000 đồng/kg, sườn non 170.000 đồng/kg.
"Nguyên nhân nào dẫn đến giá thịt lợn vẫn cao như hiện nay? Về mặt lý thuyết, giá cả phụ thuộc cung - cầu. Cuộc khủng hoảng cung lớn hơn cầu đã từng xảy ra, khiến giá lợn hơi giảm thê thảm xuống còn 20.000 đồng/kg đã chứng minh điều đó. Nay, liệu có phải do cung nhỏ hơn cầu mà giá thịt lợn tăng cao?", Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đặt câu hỏi.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý 2/2019 đạt 783 ngàn tấn, quý 3/2019 đạt 771 ngàn tấn, quý 4/2019 đạt 731 ngàn tấn, còn quý 1 năm nay là 811 ngàn tấn.
Ảnh minh họa.
"Như vậy, sản lượng thịt đã tăng dần đều, so với 3 quý trước đó thì sản lượng thịt lợn quý 1/2020 đã cải thiện rất nhiều, không có cơ sở để nói rằng tình hình cung ứng thịt lợn thiếu hụt so với trước", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Trong khi đó, theo báo cáo của Cơ quan Kiểm dịch động vật - Cục Thú y về nguồn cung từ nhập khẩu: từ đầu năm đến ngày 07/4/2020 đã nhập khẩu hơn 43 ngàn tấn thịt, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, số liệu trên cho thấy nghịch lý rằng dù thịt NK tăng tới 312%, tốc độ tái đàn cũng tăng mạnh, song giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong một thời gian dài cho đến nay.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, tình trạng thịt lợn tăng giá trong thời gian vừa qua rõ ràng liên quan đến nguồn cung, còn cầu tiêu dùng không có biến động, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 nên thị trường XK không có.
Do đó, theo ông Hoàng Văn Cường, vấn đề đầu tiên cần quan tâm đến là việc giá thịt lợn tăng cao tác động như thế nào đến nguồn cung? Có phải để giá thịt lợn cao như hiện nay sẽ tốt cho ngành chăn nuôi hay không?
"Tôi cho rằng, có thể một bộ phận nào đó trong những người chăn nuôi được hưởng lợi trước mắt nhưng điều này tạo nguy cơ lớn cho người chăn nuôi trong tương lai và dài hạn. Nguy cơ chúng ta có thể nhìn thấy ngay lập tức là giá thành chăn nuôi hiện nay chắc chắn không như khi giá thịt lợn bình ổn. Khan hiếm một số yếu tố dẫn đến giá thành chăn nuôi tăng lên rất nhiều. Điển hình đầu vào quan trọng nhất như lợn giống. Trong lúc bình thường, lợn giống chỉ khoảng 1 triệu - 1,2 triệu/con, còn hiện nay tăng gấp 2 lần, thậm chí hơn 2 lần lên 2,5 - 3 triệu/con. Đương nhiên giá lợn giống cao sẽ đẩy giá thành của người chăn nuôi lên cao, kèm theo đó đương nhiên giá các dịch vụ cung cấp thức ăn, thú y, điều kiện chăm sóc... sẽ cao lên. Như vậy, người chăn nuôi phải chịu giá thành cao", Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân nhận định.
Theo phân tích của ông Cường, nếu tiếp tục duy trì điều này, thì trong khoảng thời gian của chu kỳ chăn nuôi nửa năm hay 4 tháng nữa, những người chăn nuôi tái đàn ngày hôm nay phải chịu giá thành chăn nuôi là 50.000 đồng/kg lợn xuất chuồng. Vô hình trung, tình trạng giá thịt tăng cao như hiện nay sẽ đẩy một số người chăn nuôi đang lao vào tái đàn có thể sẽ gặp rủi ro từ 4 - 6 tháng nữa, và đặc biệt là mối rủi ro này với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bởi vì phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có được thông tin, chạy theo yếu tố thị trường.
Cũng theo ông Cường, trong bối cảnh hiện nay, người chăn nuôi có thể gặp rủi ro trong cạnh tranh bởi trong bối cảnh bắt buộc, Chính phủ phải khuyến khích đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn.
"Và nếu như việc NK thịt lợn đến một lúc nào đó tạo thành thói quen tiêu dùng về sản phẩm nhập khẩu thì khi đó ngành chăn nuôi sẽ mất sân ngay trên sân nhà. Và đương nhiên hậu quả của việc chăn nuôi không ổn định sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng", ông Cường đánh giá.
Vì vậy, ông Cường đề xuất Cục Chăn nuôi phải làm tốt công tác bình ổn, kiểm soát để tránh rủi ro cho người sản xuất. Cục Chăn nuôi phải đưa ra định hướng phát triển cho ngành chăn nuôi, định hướng thông tin cho người sản xuất về lượng con giống xuất ra như thế nào, khả năng cung cấp ra sao, và quy mô trong tương lai sẽ như thế nào để người dân không chen nhau và đẩy giá thịt lợn lên cao. Làm tốt công tác công bố và kiểm soát thông tin sẽ bảo vệ được NTD và bảo vệ cho chính ngành chăn nuôi.
Kiểm soát khâu trung gian rất quan trọng
Vấn đề thứ hai được Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân đặt ra là việc kiểm soát thông tin chăn nuôi liên quan đến khâu trung gian phân phối. Ông cho biết, có hai hệ thống phân phối: đó là hệ thống tự do, người chăn nuôi nhỏ lẻ bán cho các tiểu thương nhỏ lẻ và kênh thứ hai là những nhà sản xuất - chăn nuôi lớn chuyên mua gom lại cho các cơ sở đại lý. Kệnh phân phối thứ nhất không đẩy được giá thịt lợn bởi vì khả năng khống chế thị trường quá nhỏ. Còn kênh thứ hai phải qua 4 - 5 lần tầng lớp trung gian. Tầng lớp trung gian đương nhiên có lợi. Chỉ cần duy trì hoạt động bình thường, chưa nói đến đầu cơ, cố tình, họ được hưởng giá trị tăng lên 10%. Giá thịt lợn tiêu thụ trên thị trường chỉ một nửa là từ người sản xuất tạo ra và người cuối cùng, còn lại nằm ở khâu trung gian.
Với nhìn nhận này, ông Cường cho biết, để làm được việc bình ổn giá phải kiểm soát khâu trung gian. Việc tổ chức lại khâu trung gian và kiểm soát khâu này có ý nghĩa rất quan trọng. Trong giai đoạn này nếu chưa tổ chức lại được thì phải có biện pháp kiểm soát khâu trung gian, đây là yếu tố rất nhanh để đưa giá thịt lợn thực sự từ người sản xuất đến NTD.
Nếu đồng thời làm cả 2 yếu tố này, thì chúng ta chưa cần phải thay đổi gì nhiều đến chính sách như khuyến khích các đàn nái bố mẹ, hỗ trợ nông dân tăng tái đàn thì chúng ta đã giải quyết được việc bình ổn giá thịt lợn trong trước mắt.
Theo ông Cường, về dài hạn, phải tính đến chính sách hỗ trợ để nông dân có vốn quay trở lại tái đàn, hỗ trợ để có các nguồn đầu vào lợn giống rẻ, tăng cường nhập các đàn giống bố mẹ. Các cơ quan quản lý Nhà nước, ngành chăn nuôi và ngành công thương cần phải hành động tức thời trong việc thực thi kiểm soát thông tin chăn nuôi cũng như trong việc thay đổi tổ chức, kiểm soát khâu trung gian phân phối thị trường để giải quyết lợi ích trước mắt và lâu dài.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Cột tin quảng cáo