Thị trường

Giá trị M&A năm 2019 có thể cán mốc 6,7 tỷ USD

DNVN - Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên với nhiều cơ hội mới. Dự báo trong năm 2019, giá trị mua bán và sáp nhập (M&A) có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với năm ngoái.

6 tháng đầu năm 2019: Cán cân thương mại của khối DN FDI thặng dư 15,04 tỷ USD / Chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh

Sáng 23/7, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam đã tổ chức họp báo cung cấp các thông tin chính thức về Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 với chủ để "Thay đổi để bứt phá/Going for Breakthrough".
Theo nhóm nghiên cứu của diễn đàn, tổng giá trị M&A Việt Nam năm 2018 đạt 7,64 tỷ USD, bằng 74,9% so với năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD (bằng 53% cùng kỳ năm 2018, 3,55 tỷ USD).
Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2018 và 6 tháng đầu năm nay dù có kết quả nhất định nhưng có dấu hiệu chững lại. Cần tháo gỡ các rào cản và làm quyết liệt thì mới đạt mục tiêu và kỳ vọng của Chính phủ cũng như các nhà đấu tư.
Dự báo trong năm 2019, giá trị mua bán và sáp nhập (M&A) có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với năm ngoái. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD củ giai đoạn 2014 - 2016 để ổn định ở mốc 6 - 6,5 tỷ USD. Tuy vậy, để đạt mốc 10 tỷ USD thì cần sự nỗ lực lớn hơn.
Để thị trường bứt phá đòi hỏi Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A.
Sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc hay như các trở ngại từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông của nền kinh tế Việt Nam... là lý do Ban Tổ chức Diễn đàn M&A thường niên chọn chủ đề "Thay đổi để bứt phá" cho năm 2019.
Toàn cảnh họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2019.

Toàn cảnh họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2019.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam khẳng định: Đây là diễn đàn thường niên và duy nhất ở Việt Nam đã diễn ra liên tiếp trong hơn 1 thập kỷ qua. Điều này cho thấy Ban Tổ chức diễn đàn M&A đã và đang nỗ lực hết mình để thúc đẩy kênh đầu tư hiệu quả này cũng như góp phần tạo ra thị trường M&A ‌minh bạch cả về chất lượng, tạo ra giá trị cộng hưởng cho các bên liên quan.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết: Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Dầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là diễn đàn thường niên về M&A được đánh giá là có uy tín hàng đầu tại Việt Nam.
Trong 10 năm qua, diễn đàn không chỉ góp phần quan trọng vào thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và kết nối đầu tư giữa các đối tác trong nước và nước ngoài, mà còn đưa ra kiến nghị hữu ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách về M&A.
Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phẩn hóa doanh nghiệp Nhà nước trong các lĩnh vực: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng...
"Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả.
Với việc xác định khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế này tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua việc góp vốn, mua cổ phần; cũng như thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài việc đưa ra các định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài, theo hướng ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững..., chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới là sẽ áp dụng các hình thức đầu tư mới, đầu tư xuyên biên giới không góp vốn (NEM), mở rông phương thức M&A.
Diễn đàn M&A Việt Nam là hoạt động thường niên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, Báo Đầu tư và Công ty AVM Vietnam phối hợp tổ chức, bắt đầu từ năm 2009. Diễn đàn là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thành công và rủi ro từ thực tiễn hoạt động M&A thông qua việc đánh giá, phân tích các thương vụ điển hình, là kênh kết nối và xúc tiến đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với sự tham gia của 500 đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, những người quyết định và tạo lập cho 85% giá trị các thương vụ diễn ra tại Việt Nam, Diễn đàn M&A 2019 sẽ bao gồm chương trình hội thảo thường niên; Bình chọn, trao thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 - 2019; Khóa đào tạo cao cấp về Chiến lược M&A; Phát hành Đặc san "Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam 2019".
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm