Thị trường

Giải bài toán kết nối các bên trong chuỗi cung ứng logistics

DNVN - Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của logistics chính là sự thiếu liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng và các bên liên quan của ngành, thể hiện qua tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics ở Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển khác.

Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt muốn lên sàn "ngoại"? / Việt Nam - Nhật Bản ký thỏa thuận vay vốn gần 61 tỷ yên

Dầu bôi trơn cho bộ máy kinh tế
Từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2006, đến nay, kinh tế nước ta đã đạt nhiều thành tựu về tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút vốn FDI. Thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam cho rằng, nói tới những thành tựu của kinh tế Việt Nam thời gian qua không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của ngành dịch vụ logistics.
"Nếu nền kinh tế là một bộ máy thì có thể ví logistics như dầu bôi trơn cho bộ máy đó vận hành thông suốt, đạt được công suất lớn nhất với chi phí nhiên liệu ít nhất và độ bền cao nhất. Nền kinh tế chỉ có thể phát triển đồng bộ, nhịp nhàng một khi chuỗi logistics hoạt động liên tục", ông Hải nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 14-16%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Theo bảng xếp hạng Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Hiện có hơn 40.000 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Thiếu sự liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Trần Thanh Hải, ngành logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế khi chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin... cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn nhiều bất cập.
Chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt.
Lý giải nguyên nhân của những hạn chế này, ông Hải cho rằng, một trong những nguyên chính là sự thiếu liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng và các bên liên quan của ngành, thể hiện qua tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics ở Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển khác.
Trong đó, mức độ chuyên nghiệp của ngành logistics chưa cao, chưa tạo được niềm tin cho đối tác. Tư duy của nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại vẫn theo hướng tự làm khép kín mà chưa nhìn nhận được những ích lợi của việc thuê ngoài. Thiếu kênh thông tin cho các doanh nghiệp sản xuất, thương mại vừa và nhỏ về giải pháp logistics, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics có năng lực.
Cần cá nhân, doanh nghiệp đủ tầm đứng ra kết nối
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics, bên cạnh những giải pháp căn cơ đã và đang được các cấp, các bên tích cực triển khai thực hiện thì một giải pháp cần lưu ý tập trung triển khai chính là việc củng cố, tăng cường các mối liên kết trong ngành.
Cụ thể, cần tăng cường thực hiện hiện liên kết các vùng kinh tế, gồm liên kết liên vùng và nội vùng trong xây dựng hệ thống logistics. Hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông và trung tâm logistics phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, thực thi cơ chế chính sách về hoạt động logistics và các chính sách hỗ trợ khác. Đặc biệt là trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động dịch vụ logistics, lưu thông hàng hóa.
"Để ngành logistics phát triển cần có sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng bộ quan điểm quản lý, xây dựng và thực thi chính sách phát triển ngành cũng như xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách nhanh chóng nhất", ông Hải đề xuất.
Sự phối hợp, liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp thông qua cầu nối là các hiệp hội có vai trò quan trọng.
Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp logistics và các hiệp hội ngành hàng, giữa các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp trong việc đào tạo và phát triển nhân lực phục vụ ngành logistics. Phát triển các chương trình đào tạo liên kết nhà trường và doanh nghiệp, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp phát triển đội ngũ nhân lực logistics chất lượng cao, tay nghề tốt, đáp ứng được nhu cầu thực tế công việc ngay khi ra trường.
"Việc tăng cường hợp tác, liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng, giữa các hiệp hội, doanh nghiệp là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và có thể thực hiện được. Điều quan trọng là cần có những doanh nghiệp, cá nhân có đủ tâm, đủ tầm, đủ nhiệt huyết, uy tín, tích cực đứng ra kết nối. Từ đó có hợp tác lâu dài, giúp ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển bền vững", ông Hải nhấn mạnh.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm