Thị trường

Gỡ khó cho "đầu tàu" kinh tế TP Hồ Chí Minh

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công được xem là "nhóm thuốc" quan trọng để điều trị cho sức khỏe của kinh tế TP Hồ Chí Minh.

ADB: Dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2023 đạt 6,5% / Đà Nẵng: Nâng vốn đầu tư dự án mở rộng khu đô thị Hòa Quý – Đồng Nò lên hơn 4.100 tỷ đồng

Sau khi tình hình kinh tế quý 1 được công bố, việc "đầu tàu kinh tế" là TP Hồ Chí Minh chỉ đạt tăng trưởng GRDP 0,7% - mức thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp 56/63 địa phương.

Sức khỏe nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh được lãnh đạo Thành phố ví như sức khỏe của bệnh nhân COVID-19. Con số tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương GRDP quý I chỉ tăng 0,7% đã cho thấy sau một thời gian phục hồi tốt, "bệnh nhân" này đang yếu đi, vì di chứng bệnh cũ và cả vì các tác động mới từ bên ngoài như biến động tình hình thế giới.

Gỡ khó cho đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Kinh tế TP Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng 0,7% trong quý I/2023

Phác đồ điều trị cho "bệnh nhân" đã được thực hiện nhưng chưa phát huy hiệu quả. Cụ thể là tập trung vào 3 công cụ tạo ra tăng trưởng, sức khỏe cho nền kinh tế. Một là tăng giải ngân vốn đầu tư công - công cụ này quý 1 thành phố chỉ đạt tỷ lệ giải ngân 4%. Hai là tăng khả năng hấp thụ vốn của khối tư nhân - việc này thì cũng chưa có nhiều chuyển biến khi hàng trăm dự án tồn đọng chậm triển khai. Ba là tăng trưởng sức tiêu dùng của người dân, thì quý 1 tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa của thành phố chỉ bằng 1/3 so với cả nước.

Như vậy có thể thấy "nhóm thuốc" quan trọng để điều trị cho sức khỏe của kinh tế TP Hồ Chí Minh là thúc đẩy đầu tư. Trong đó đầu tư công với vai trò là vốn mồi, có tác động lan tỏa đang được tập trung nhiều giải pháp.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Từ quý 1, chính quyền quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cùng lúc 7 mũi thi công các dự án đầu tư công. Kết quả tỷ lệ giải ngân của quận hiện đạt 10%, cao hơn mức chung của thành phố. Theo chính quyền, với các dự án hoàn toàn mới thường phải mất 6 tháng mới hoàn tất phương án bồi thường, nên tỷ lệ giải ngân sẽ tăng rõ vào thời điểm cuối quý II - đầu quý III.

"Chúng tôi triển khai hệ thống sơ đồ gantt trực tuyến để giám sát tiến độ dự án nói chung và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nói riêng để Quận nắm đầy đủ diễn biến quá trình thực hiện dự án. Đồng thời có sự chỉ đạo, đôn đốc để triển khai nhanh nhất các dự án này", ông Vũ Chí Kiên -Phó Chủ tịch UBND Quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Gỡ khó cho đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là một trong những dự án trọng điểm được Thành phố đẩy mạnh triển khai

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, năm nay, kế hoạch đầu tư công Thành phố được giao là khoảng 70.000 tỷ đồng, cao hơn gần gấp đôi so với năm ngoái. Trong đó gần 70% rơi vào nhóm các dự án lớn. Đặc biệt là dự án đường Vành đai 3 kết nối với Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Chủ đầu tư dự án là Ban Giao thông cho biết, kế hoạch cần giải ngân 23.000 tỷ đồng cho Vành đai 3 từ nay đến cuối năm là áp lực chưa từng có. Cơ quan này đang có kế hoạch tăng gần 30% nhân sự giỏi cho nhóm chuyên trách dự án. Cũng như tăng cường áp dụng công nghệ để quản lý tiến độ.

"Trong tháng 6 dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng đợt 1, với dự kiến tối thiểu 70% mặt bằng để phục vụ việc khởi công vào tháng 6. Cho đến hôm nay các đơn vị đều quyết tâm giữ đúng tiến độ này", ông Lương Minh Phúc -Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết.

Từ năm ngoái, TP Hồ Chí Minh đã thành lập 3 tổ công tác chuyên xử lý 3 nhóm dự án đầu tư công: Nhóm bồi thường giải phóng mặt bằng, nhóm dự án lớn và nhóm dự án nước ngoài cho vay hỗ trợ ODA. Mô hình này sẽ tiếp tục được phát huy để tăng tốc độ giải ngân.

"Sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của 3 tổ công tác, đặc biệt là tổ công tác về bồi thường giải phóng mặt bằng. Tổ bồi thường đã giải quyết được những dự án lớn của thành phố, sang năm 2023 sẽ tập trung cho dự án Vành đai 3", bà Lê Thị Huỳnh Mai -Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

 

Hiện chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai các cơ chế giám sát đánh giá, cải thiện tiến độ phối hợp giữa các sở ngành, vì đây cũng là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến làm chậm giải ngân. Sở Kế hoạch và Đầu tư tính toán tỷ lệ giải ngân có thể được nâng lên 40% trong quý II.

Mở rộng dòng vốn, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế

Bên cạnh đầu tư công, việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy đầu tư ở khối tư cũng được xác định là nhiệm vụ chiến lược. Điểm tích cực là trong 1 tháng trở lại đây, Chính phủ và các bộ ngành liên tục có động thái mới để tháo gỡ, khơi thông nguồn lực cho đầu tư tư nhân. Như điều chỉnh các quy định về trái phiếu, hay nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất... kỳ vọng tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.

Những nút thắt đối với thị trường trái phiếu được gỡ dần sau khi Nghị định 08 của Chính phủ được ban hành, cho phép doanh nghiệp phát hành đàm phán việc thanh toán trái phiếu, kéo dài kỳ hạn trái phiếu… Hay dự kiến sửa đổi Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước.

"TP Hồ Chí Minh là nơi thuận lợi nhất và nếu làm tốt điều đó thì nó đồng nhịp, vừa giúp cho nguồn vốn doanh nghiệp của thành phố, vốn vô tạo hiệu ứng lan tỏa ra nhiều lĩnh vực qua đó có thể góp cho GDP thành phố tăng trưởng…",TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng đánh giá.

 

Trong khi kênh trái phiếu cần thời gian để phát huy vai trò cung ứng vốn cho đầu tư, phát triển thì tín dụng sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ lựctạo đà tăng trưởng kinh tế cả nước nói chung, và TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Gỡ khó cho đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Áp lực lãi suất cho vay đang dần hạ nhiệt thời gian qua

Sau khi tăng trưởng tín dụng khá chậm trong 2 tháng đầu năm, chỉ đạt 0,37%, bằng chưa tới một nửa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế, trong tháng 3, tốc độ bơm vốn tại TP Hồ Chí Minh đã cải thiện đáng kể. Các nhà băng đồng loạt hạ lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm… cùng những gói vay ưu đãi từ vài nghìn tới vài trăm nghìn tỷ.

"Song song với việc đưa ra những chính sách mới, sản phẩm mới thì chúng tôi cũng có những gói ưu đãi về lãi suất. Chúng tôi kỳ vọng có thể giảm thêm lãi suất 1-2% để đẩy nhanh vốn ra thị trường", ông Ngô Minh Sang,Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân - Ngân hàng Bản Việt cho biết.

"Chúng tôi phối hợp với Ngân hàng Nhà nước TP Hồ Chí Minh để triển khai các trương trình kết nối doanh nghiệp và người dân. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành nghề trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để xem xét, đưa ra có những gói vay ưu đãi riêng, nhằm thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh hơn trong thời gian tới…", ông Từ Tiến Phát -Tổng giám đốc Ngân hàng ACB thông tin.

 

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, việc Ngân hàng Trung ương điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 2 lần liên tiếp và giảm trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạ là những động thái tích cực và trực tiếp, giúp lãi suất có cơ sở giảm thêm.

Hiện nhiều khách hàng đã bắt đầu tiếp cận được lãi suất ưu đãi 7-8%/năm, phổ biến quanh mức 9-11%/năm, qua đó giúp doanh nghiệp nhẹ hơn đáng kể chi phí vốn.

"Rã băng" thị trường bất động sản

Với gần 140 dự án bất động sản bị tồn đọng chậm triển khai, các chuyên gia nhận định thực trạng này tạo lực ghì lớn làm nghẽn nguồn lực từ khối tư nhân. Người đứng đầu chính quyền TP Hồ Chí Minh vừa qua đã khẳng định sẽ sớm triển khai giải pháp để "rã băng" thị trường bất động sản. Trong đó nhấn mạnh đến cải cách thủ tục hành chính, yêu cầu chấm dứt tình trạng 'sở ngày chờ sở kia" trong việc xử lý thủ tục, hồ sơ.

"Tăng trưởng thấp, ngoài những yếu tố bên ngoài, thì các yếu tố bên trong là gì? Đó là việc giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan. Để cho các dự án, dòng vốn "chạy" được, lãnh đạo các sở ngành, địa phương hết sức tập trung, để làm sao có được một danh mục cụ thể để giải quyết trong quý II, ông Phan Văn Mãi- Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

 

Theo một số chuyên gia, tác động từ bối cảnh khó khăn trên thế giới hiện đã phần nào "giảm nhiệt", không còn quá căng thẳng như các quý vừa qua. Thực tế một số chỉ báo quan trọng như chỉ số sản xuất công nghiệp của TP Hồ Chí Minh cũng đang có xu hướng thu hẹp đà giảm, phục hồi. Bối cảnh này đang tạo điều kiện thuận lợi hơn để các giải pháp "điều trị sức khỏe nền kinh tế" được triển khai và phát huy hiệu quả, kỳ vọng lấy lại nhịp phục hồi trong quý II tới.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm