Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được 256 tỷ đồng
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh / "Lộ diện" 3 quốc gia có lượng du khách đến Việt Nam nhiều nhất trong 5 tháng
Nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong công điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà Nước rà soát các gói tín dụng chính sách như là gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% từ ngân sách nhà nước để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh.
Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước, số tiền đã hỗ trợ lãi suất từ gói này mới đạt gần 256 tỷ đồng, đạt khoảng 0,64% tổng số tiền và có 1.784 khách hàng đã được nhận hỗ trợ. Hỗ trợ giảm lãi suất là chính sách bất cứ người vay nào cũng mong muốn, nhưng vì sao tỷ lệ giải ngân chưa cao?
Nhiều nguyên nhân khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân chậm
Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, kết quả hỗ trợ lãi suất chưa như kỳ vọng là do một số vướng mắc. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Chuyên xuất khẩu ngao, Công ty Xuất Nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa thuộc nhóm được hỗ trợ lãi suất 2%. Họ đã được ngân hàng giảm lãi một phần khoản vay. Tuy nhiên, do hoạt động xuất khẩu suy giảm, doanh nghiệp đã bị dừng hỗ trợ.
"Công ty cũng đã được ngân hàng hỗ trợ kịp thời để đáp ứng đủ vốn, tuy nhiên không có lợi nhuận cũng là khó khăn cho chung của các doanh nghiệp", bà Trịnh Thị Cúc, Giám đốc điều hành Công ty Xuất Nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa, cho biết.
Theo quy định, doanh nghiệp muốn được giảm lãi 2% phải chứng minh được khả năng phục hồi, khả năng trả nợ. Do đó với khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.
"Khó khăn về thủ tục, giấy tờ. Hiện chúng tôi đang tìm hiểu, thực tế chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ nên nguồn vốn này cũng chưa tiếp cận được", ông Dương Ngọc Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Chính xác HBT Việt Nam, chia sẻ.
Phía ngân hàng cho biết, dù đã thông tin rộng rãi về gói hỗ trợ này, nhưng lượng khách hàng nộp hồ sơ đạt yêu cầu không nhiều. Tuy nhiên, khi ngân hàng Agribank dùng chính nguồn vốn của mình để giảm lãi suất cho đúng nhóm đối tượng của gói 40.000 tỷ đồng với thủ tục đơn giản hơn, số lượng tiếp cận khá nhiều.
"Tất cả các ngân hàng đều khó khăn. Mặc dù đã chỉ đạo hơn 11.000 lượt cán bộ tín dụng triển khai, nhưng tới thời điểm hiện tại mới thực hiện được hơn 44 tỷ. Ngoài ra chúng tôi đã thực hiện bằng nguồn vốn thương mại giảm cho những đối tượng thuộc Nghị định 31 khoảng gần 1.000 tỷ đồng, không dùng ngân sách nhà nước, nguyên nhân lớn nhất là hồ sơ, thủ tục, điều kiện để khách hàng đáp ứng đầy đủ và tâm lý e ngại", ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cho hay.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận, kết quả hỗ trợ lãi suất chưa như kỳ vọng là do một số vướng mắc như tâm lý e ngại thanh kiểm tra của doanh nghiệp, họ cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí phải bỏ ra khitheo dõi hồ sơ, chứng từ, thủ tục hậu kiểm...
Đề xuất sửa đổi gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước
Gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng có hiệu lực đến hết 31/12 năm nay. Ngân hàng Nhà nước dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế đến hết năm nay cũng chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng, tương đương chưa đến 6,5% tổng gói, tức là có đến trên 90% ngân sách hỗ trợ khó có thể giải ngân.
Để giúp chính sách phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến đã đề xuất cần có những thay đổi từ gói này, nhằm giúp nguồn tiền ngân sách được sử dụng kịp thời, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế.
Các chuyên gia đề xuất không tiếp tục sửa các tiêu chí, điều kiện để hưởng hỗ trợ lãi suất 2%. Thay vào đó, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, chuyển nguồn ngân sách sang cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện, bởi những vướng mắc hiện nay không dễ tìm ra giải pháp.
"Khả năng phục hồi chỉ ở thời điểm ta quyết định cho vay, còn sau này 2 - 3 năm nữa không biết như thế nào. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đều e ngại việc thanh, kiểm tra. Chúng ta đã nhận diện rõ nguyên nhân thì nên chuyển tiếp hoặc chuyển sang một gói khác để đảm bảo hiệu quả hơn", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nêu quan điểm.
Ngân hàng Nhà nước dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế đến hết năm nay cũng chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Giả sử năm nay có giải ngân được như dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, vẫn còn hơn 37.000 tỷ đồng nữa. Nhiều kiến nghị cho rằng có thể chuyển nguồn tiền này thành các quỹ bảo lãnh tín dụng, với các điều kiện cho vay thông thoáng hơn, không yêu cầu thế chấp bằng bất động sản để tháo gỡ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Chuyển sang thành lập quỹ bảo lãnh quốc gia, gộp 26 quỹ địa phương lại thành quỹ chung, với nguồn vốn điều lệ ban đầu là 20.000 tỷ cộng với 1.568 tỷ của các quỹ địa phương để cho vay bảo lãnh tín chấp, vì theo quy định hiện tại, vẫn đòi hỏi bảo lãnh có tài sản thế chấp, phải cộng thêm 2% phí bảo lãnh nữa", ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, nhận định.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị, nguồn vốn chưa dùng hết có thể chuyển sang các chính sách về tài khóa, hỗ trợ giảm thuế, phí trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.
Chỉ còn hơn nửa năm nữa là gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất sẽ hết hiệu lực. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả hỗ trợ lãi suất để làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT