Thị trường

Hà Giang: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế ở Hoàng Su Phì

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (NNN) của tỉnh, những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; giúp người dân làm giàu từ chính nguồn lực và thế mạnh sẵn có của địa phương.

Lạng Sơn: Làm giàu từ trồng cây ăn quả / Kiên Giang: Làm giàu từ mô hình nuôi tôm quảng canh

Xác định cơ cấu lại NNN là nhiệm vụ quan trọng, huyện đã huy động sự vào cuộc mạnh mẽ từ cấp ủy, chính quyền các cấp đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua thời gian thực hiện đến nay, NNN huyện đã có bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt 1.224,69 tỷ đồng, tăng 92,69 tỷ đồng so với năm 2018. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên ha đất trồng cây hàng năm đạt 49 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với năm 2018. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 28,9% trong giá trị sản xuất NNN, tăng 0,4% so với năm 2018.

Pố Lồ là xã giáp biên có điều kiện khí hậu mát mẻ, một số thôn vùng cao của thôn quanh năm có sương mù bao phủ. Nhận thấy điều kiện thời tiết của địa phương có điểm tương đồng với vùng đất Đà Lạt (Lâm Đồng), một số hộ dân thôn Cốc Có đã mạnh dạn trồng thử nghiệm cây Dâu tây trên diện tích đất lúa. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, vườn Dâu tây của các hộ phát triển rất tốt; sau hơn 3 tháng đã cho thu những lứa quả đầu tiên.

Người dân tham quan mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ Mombasa tại xã Bản Luốc.

Người dân tham quan mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ Mombasa tại xã Bản Luốc.

Với đặc điểm quả đỏ mọng, thơm, ngon; nên Dâu tây của xã Pố Lồ được nhiều khách hàng ưa chuộng, thu hoạch đến đâu, đều được thương lái và người tiêu dùng mua hết đến đó. Với giá bán giao động từ 120 – 150 nghìn đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ trồng Dâu tây. Hiện nay, thôn Cốc Có có khoảng 10 hộ trồng Dâu tây, với tổng diện tích trên 3 ha; sản lượng mỗi năm bán ra thị trường gần 4 tấn, giá trị kinh tế mang lại đạt trên 500 triệu đồng.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện xác định phát triển chăn nuôi là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, huyện; đến nay, Hoàng Su Phì có 36 gia trại và 1 trang trại chăn nuôi, gồm: 7 gia trại trâu, bò; 20 gia trại lợn, 7 gia trại dê, 2 gia trại gia cầm và 1 trang trại gia cầm.

Đến thăm mô hình chăn nuôi gà sạch thả đồi theo tiêu chuẩn GlobalGAP (Bộ tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) của gia đình chị Phàn Mùi Pham, thôn Yên Sơn, xã Nậm Ty đã cho thấy, nhận thức của nhân dân về chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực.

Năm 2017, chị Pham xây dựng khu nuôi gà với quy mô 800 con gà ta nuôi thả trên diện tích 4.000 m2 tại đồi trồng trúc của gia đình. Chị tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn gà để hạn chế dịch bệnh; đồng thời ghi chép lại quá trình sinh trưởng của đàn gà. Nhờ vậy, đàn gà của gia đình chị sinh trưởng, phát triển tốt; chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon. Những lứa gà thả đồi của gia đình chị được nhiều khách hàng đặt mua với mức giá cao. Hiện tại, trang trại gà của gia đình chị luôn giữ mức ổn định từ 600 – 800 con; trung bình mỗi năm, chị nuôi được khoảng 3 – 4 lứa; đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

 

Để tái cơ cấu NNN thực sự bền vững và theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyên môn hóa các khâu sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường giúp nông dân định hướng tốt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và hình thành các tổ hợp tác, HTX; tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương…

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm