Lạng Sơn: Làm giàu từ trồng cây ăn quả
Thanh Hóa: Cho lợn rừng ăn 'chè khổng lồ', lãi 300 triệu đồng mỗi năm / Bắc Kạn: Mô hình nuôi dúi, ốc nhồi cho thu nhập cao
Theo chân cán bộ xã Hòa Lạc, chúng tôi vào thăm mô hình trồng na của gia đình bà Bử. Bà Bử chia sẻ: Trước kia, gia đình tôi cũng chỉ trồng các loại rau, ngô… và buôn bán nhỏ. Sau nhận thấy điều kiện đất đai dưới chân núi phù hợp với trồng na, năm 1998, gia đình bắt đầu trồng 500 gốc na. Cây na sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch, tôi lại nhân rộng trồng thêm. Hiện nay, gia đình tôi có trên 1.400 cây na, bình quân cho thu hoạch gần 300 triệu đồng/năm.
Bà Bử chăm sóc, kiểm tra vườn bưởi của gia đình
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc, bà Bử cho biết thêm: Muốn na cho năng suất cao, cần nắm rõ quy trình sinh trưởng của cây. Hằng năm, sau khi thu hoạch xong vào tháng 8, cây na bắt đầu “ngủ đông” và rụng hết lá. Đến mùa xuân, cây đâm chồi nảy lộc, thời điểm này cần bón phân (chủ yếu là phân lân, phân gà), làm cỏ, tỉa cành cho cây nhằm loại bỏ các mầm bệnh. Đặc biệt, khi cây ra hoa vào tháng 5, người trồng phải tỉ mỉ chọn từng bông hoa để thụ phấn cho na, khi quả đậu và lớn dần phải đặt bẫy phòng trừ ruồi, muội quả…
Ngoài trồng na, tận dụng đất vườn còn trống, năm 2013, bà Bử trồng thêm 350 gốc bưởi gồm: bưởi Diễn và bưởi da xanh. Qua nhiều năm cần cù chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm từ những nhà vườn xung quanh, bà rút ra được nhiều kinh nghiệm. Để cây bưởi ra quả đều và sai, cần khoanh cành trước khi cây ra hoa, việc này giúp ức chế lượng nước từ gốc lên thân cây, giúp cây ra nhiều hoa và tỷ lệ đậu quả cao hơn. Đồng thời bón phân đều đặn 4 – 5 lần/năm. Năm 2019, vườn bưởi gia đình bà đã cho thu hoạch trên 10.000 quả, với giá bán dao động từ 10.000 đồng – 12.000 đồng/quả, đem lại nguồn thu 150 triệu đồng/năm. Năm nay, thời tiết mưa nhiều khiến cho nhiều nhà vườn mất mùa, quả đậu ít, nhưng nhờ gia đình bà áp dụng kỹ thuật chăm sóc trên, vườn bưởi vẫn sai quả, ước tính số lượng quả không giảm nhiều so với các năm trước.
Từ mô hình trồng các loại cây ăn quả đã đem lại nguồn thu nhập cho gia đình bà trên 400 triệu đồng mỗi năm. Với số tiền đó, bà chăm lo cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học, xây dựng nhà cửa. Năm 2020, bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vinh danh điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế gia đình.
Bà Bử cho biết: Có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự cố gắng của cả hai vợ chồng, bởi cùng với kinh nghiệm đã có, vợ chồng bà vẫn thường xuyên học hỏi thêm qua sách, báo và các mô hình khác. Theo bà Bử, trồng bất cứ cây gì hay nuôi con gì, người làm cũng phải thực sự kiên trì mới thành việc.
Nhận xét về bà Bử, bà Nông Thị Bến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Lạc cho biết: Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Bử còn luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của hội. Bà Bử luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên phụ nữ trong xã có nhu cầu học tập kinh nghiệm mô hình trồng cây ăn quả của mình. Bên cạnh đó, gia đình bà Bử còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho 3 – 5 lao động ở thôn, xã, giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh