Lạng Sơn: Làm giàu từ mô hình trồng cam
Hải Dương: Làm giàu từ nuôi cá trắm đen / Hà Giang: Mô hình liên kết chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Lùng Tám mang lại hiệu quả kinh tế cao
Theo người dân thôn Làng Càng kể, trong gần 20 năm (từ năm 1997 – 2017) làm trưởng thôn và 11 năm làm Bí thư Chi bộ thôn (từ năm 2006 đến năm 2017), ông Hoàng Văn Long luôn là người có trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ của xã, thôn và nhân dân đề ra. Những năm gần đây, ông Long không còn giữ chức vụ người đứng đầu thôn nhưng luôn gương mẫu trong phát triển kinh tế.
Ông Long cho biết: Trước đây, đời sống gia đình tôi chủ yếu dựa vào trồng ngô, lúa, nuôi gà. Sản phẩm nông sản làm ra chỉ đủ phục vụ nhu cầu của gia đình, chưa mang tính hàng hóa, cuộc sống chỉ đủ ăn. Năm 2013, trong một lần đến huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, tôi đã bị thu hút bởi mô hình trồng cam Canh đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây. Nhận thấy gia đình mình có đất rộng chỉ để trồng ngô không hiệu quả nên tôi bàn bạc với vợ con chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cam. Ngay sau đó, tôi đã mua và thuê người vận chuyển 300 gốc cam Canh giống về để trồng thử trên diện tích 5 sào.
Ông Long chăm sóc vườn cam
Thời điểm đó, ông Long là người đầu tiên trồng cam tại xã Hòa Bình, do thiếu kinh nghiệm nên 1/3 diện tích vườn cam của ông bị sâu đục thân, chậm phát triển. Không đầu hàng khó khăn, ông đã tìm hiểu các thông tin về phòng chống sâu, bệnh ở cây cam, kỹ thuật tiên tiến trong trồng cam ở huyện Lục Ngạn. Sau khi học hỏi được kỹ thuật, cách phòng trừ sâu, bệnh, ông đã áp dụng thực hiện với vườn cam của mình. Dần dần vườn cam đã phát triển bình thường, đến năm 2016 bắt đầu cho thu hoạch. “Cũng chẳng nhớ là thu được bao nhiêu tấn, nhưng vụ cam đầu tiên, trừ chi phí, gia đình tôi đã thu được khoảng 75 triệu đồng” – ông Long kể lại.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của trồng cam, từ năm 2017 đến cuối năm 2019, ông Long tăng diện tích trồng cam lên toàn bộ 1,5 mẫu đất của gia đình. Hiện nay, vườn cây của ông lên tới hơn 1.000 gốc cam Canh, cam Vinh, cam Cara ruột đỏ. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của huyện, năm 2017, ông đầu tư 100 triệu đồng cho hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cam. Riêng vụ cam năm 2019, khoảng 800 cây cam Canh cho gia đình ông thu hoạch hơn 10 tấn quả và được thương lái thu mua tận vườn. Với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg cam Canh, 15.000 đồng/kg cam Vinh, vụ cam năm 2019, gia đình ông Long thu lãi gần 200 triệu đồng.
Không chỉ trồng cam, hiện nay ông Long còn tự ghép cây cam giống để bán. Ông nổi tiếng trong vùng về kinh nghiệm trồng và chăm sóc cam, nên khách đến mua cây giống tại vườn ông không chỉ có người dân các xã lân cận mà còn đến từ các huyện: Văn Quan, Hữu Lũng. Trung bình mỗi năm gia đình ông bán được khoảng 1.200 cây giống, thu lãi khoảng 30 triệu đồng.
Theo ông Long, cây cam rất phù hợp với điều kiện tự nhiên tại xã, tuy nhiên cần có sự am hiểu nhất định về kỹ thuật mới có thể trồng cam đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, ông đã hướng dẫn nhiều người dân trên địa bàn huyện về kỹ thuật chăm sóc, bón phân cũng như cách trị sâu, bệnh ở cây cam. Qua đó, một số hộ dân đã biết cách thâm canh, phát triển kinh tế từ cây cam.
Ông Vi Văn Thuyết, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: “Gần 20 năm giữ chức vụ Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Càng 2, ông Hoàng Văn Long luôn là người có trách nhiệm, nhiệt tình, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong phát triển kinh tế, ông Long là người dám nghĩ, dám làm, chịu khó tìm tòi, học hỏi và có quyết tâm thành công, đến nay, cuộc sống của gia đình ông Long rất khá giả. Ông còn nhiệt tình hướng dẫn bà con làm giàu từ mô hình trồng cam. Với những kết quả trên, những năm qua, ông Long đã được các cấp, ngành khen thưởng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo