Hạ lãi suất chưa đủ để hỗ trợ kinh tế, cần kết hợp chính sách tài khóa
Cần công bằng trong quá trình chuyển đổi năng lượng để phát triển bền vững / EVN chưa có kế hoạch cắt điện trong tháng 6 tại miền Bắc
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần thứ 3 kể từ đầu năm hạlãi suấtđiều hành - cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất.
Cuối tháng 4, NHNN liên tiếp ban hành 2 Thông tư 02, 03, theo đó cho phép cơ cấu giãn, hoãn nợ với các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi tình hình khách quan của nền kinh tế và khơi thông, tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng nguồn lực về vốn cho doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43 đối với một số nhóm hàng hóa dịch vụ.
Hàng loạt chính sách được đưa ra nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, thị trường đón nhận những thông tin đó như thế nào? Quá trình khơi thông nguồn vốn được thực hiện ra sao? Sức bật của nền kinh tế có được như kỳ vọng?
Tăng trưởng GDP quý I năm nay đạt 3,32%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ là 5,6%.
Theo các chuyên gia, dự báo tình hình thế giới và trong nước sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn thách thức đối với nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp ngày càng tăng.
Để trợ lực cho người dân và doanh nghiệp, nhiều chính sách lớn đã được triển khai ngay từ đầu năm. Mới đây nhất, NHNN quyết định hạ lãi suất điều hành, kéo theo kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ được các ngân hàng giảm xuống.
Giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi kinh tế
Sau 2 lần giảm lãi suất vào tháng 3 và tháng 4, bắt đầu từ ngày 25/5, các mức lãi suất điều hành sẽ tiếp tục được giảm thêm. Lần này, NHNN quyết định giảm 4 mức lãi suất gồm: lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các tổ chức tín dụng giảm 0,5% xuống còn 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5% xuống 5%/năm.
Đáng nói, trần lãi suất huy động tiếp tục giảm khi các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5% xuống 5%/năm. Như vậy, tổng mức giảm sau 3 lần của NHNN là 0,5 - 1,5%/năm tùy loại.
Sau 2 lần giảm lãi suất vào tháng 3 và tháng 4, bắt đầu từ ngày 25/5, các mức lãi suất điều hành sẽ tiếp tục được giảm thêm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Chính sách hạ lãi suất căn cứ vào tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay cũng như xu hướng tăng trưởng đang chậm lại. Chính sách tiền tệ đang có xu hướng không chỉ thận trọng với lạm phát mà tính đến cả khả năng hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục tăng trưởng", ông Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá.
"Mặt bằng cho vay hiện tại còn cao, do đó với sự quyết liệt giảm lãi suất huy động và lãi suất điều hành thì tương lai gần trong vòng vài tháng nữa, chúng ta sẽ giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định.
Mục tiêu giảm lãi suất cho vay ra nền kinh tế là điều cơ quan điều hành muốn nhắm tới sau khi liên tiếp hạ lãi suất điều hành và huy động.
Trong nước, lạm phát cũng tăng chậm lại. Cùng với đó, thanh khoản hệ thống dồi dào, tỷ giá ổn định là những cơ sở để NHNN điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt.
"Nhà điều hành mong muốn lãi suất của thị trường hạ xuống. Chỉ khi các lãi suất trên thị trường hạ xuống, chi phí vốn giảm xuống thì các ngân hàng thương mại mới có khả năng điều chỉnh lãi suất cho vay cung ứng cho doanh nghiệp và người dân", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Tienphongbank, cho biết.
"Khi mặt bằng lãi suất huy động giảm đều thì lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng. Chúng tôi cũng đang theo sát, khẩn trương triển khai giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế", ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, thông tin.
Để đảm bảo tính đồng bộ của chính sách, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 02 về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cần độ trễ để hạ lãi suất cho vay
Ngày 25/5 là ngày đầu tiên quyết định hạ lãi suất điều hành và lãi suất huy động ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực.
Nhiều ngân hàng thương mại đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới thấp hơn, nhưng cho biết cần có độ trễ từ 1 - 2 tháng để có thể hạ lãi suất cho vay tương xứng.
Ngày 25/5, nhiều ngân hàng thương mại đã niêm yết lãi suất kỳ hạn ngắn (từ 1 - 6 tháng) thấp hơn mức trần 5%/năm, từ 0,1 - 0,4%.
Ở các kỳ hạn dài, từ 6 - 12 tháng, mức lãi suất 9%/năm hầu như không còn xuất hiện trên các bảng niêm yết tại nhiều ngân hàng.
"Với thị trường đang hấp thu vốn yếu và kinh tế khó khăn như hiện nay, việc giảm lãi suất điều hành có thể giúp nhiều cho cả khách hàng và ngân hàng trong thời gian tới", ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB, cho biết.
"Chúng tôi đã 7 lần thực hiện giảm lãi suất huy động, trong đó 2 lần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và 5 lần đồng thuận giảm cùng các ngân hàng, lần này là lần thứ 8 giảm lãi suất. Lãi suất huy động đầu vào đã giảm tương đối so với năm 2022", ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, thông tin.
Dù ngành ngân hàng đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và huy động, nhưng vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là bao giờ lãi suất cho vay giảm tương ứng và vốn lãi suất thấp sẽ tới được tay được các doanh nghiệp, nếu không, việc giảm lãi suất điều hành cũng không có nhiều ý nghĩa thực chất.
"Nếu điều hành được lãi suất cho vay giảm thì sẽ có tác động tích cực đến thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ sẽ giúp cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn, qua đó thúc đẩy mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là yếu tố tác động làm tăng thu ngân sách nhà nước", ông Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đánh giá.
Theo các chuyên gia tài chính, lãi suất điều hành sau khi điều chỉnh giảm đang khá phù hợp với diễn biến lạm phát hiện nay và sức ép tỷ giá cũng không quá lớn, tuy nhiên vẫn cần độ trễ từ 1 - 2 tháng tới để các ngân hàng có thời gian huy động đủ nhiều ở mức lãi suất thấp, khi đó lãi suất cho vay mới có thể xuống thấp hơn.
Số liệu thống kê cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đang ở trong thời điểm khó khăn nhất 10 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng sụt giảm, nhu cầu trong nước cũng có dấu hiệu chững lại, nhiều doanh nghiệp vô cùng khó khăn để tìm kiếm đơn hàng, những doanh nghiệp dệt may, da giày cố gắng duy trì việc làm cho người lao động… Trước những khó khăn dồn dập đó, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp là sự chung tay gỡ khó của Quốc hội, Chính phủ.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm ngoái là 8,02%, điều này cho thấy khó khăn đã được nhận diện từ trước…Hàng loạt những giải pháp đã được đưa ra được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn lực lớn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay.
Đánh giá về tính thời điểm những quyết sách ra đời, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV, cho biết: "NHNN luôn tôn chỉ mục tiêu của chính sách tiền tệ là phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nên khi lạm phát có dấu hiệu được kiểm soát tốt, đó là cơ hội để NHNN cắt giảm lãi suất".
Cũng theo ông Ngân, năm 2022, do tác động bởi tình hình kinh tế thế giới, NHNN phải 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất từ 4% lên 5% và lên 6% mức lãi suất điều hành. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình hình lạm phát thế giới đã dịu đi và Việt Nam đã kiểm soát lạm phát rất tốt, dưới 4%.
"Trước tình hình kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và quý I chỉ tăng trưởng 3,32%, đây là một quý tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm. Chỉ năm 2020, Việt Nam tăng trưởng thấp 3,21%, còn 10 năm qua, tăng trưởng quý I của Việt Nam từ 5 - 6%, nên việc NHNN quyết định hạ lãi suất như vậy là kịp thời.
Tuy nhiên nếu chỉ hạ lãi suất, chưa đủ để hỗ trợ cho nền kinh tế, mà chúng ta phải kết hợp cả chính sách tài khóa. Trong thời gian tới, chính sách tài khóa phải nới lỏng nhiều hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi vì chúng ta thấy trong năm 2021, năm 2022, tình hình kinh tế rất khó khăn, nhưng thu ngân sách vẫn tăng. Cụ thể, năm 2022, thu ngân sách tăng trên 400.000 tỷ đồng, nên đã kéo giảm bội chi ngân sách, dự toán là 4,3% GDP. Năm 2022, bội chi khoảng 3,6%, nợ công từ 43% GDP xuống còn 38% GDP. Như vậy chúng ta có dư địa thực hiện các gói chính sách tài khóa nới lỏng trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Ngân nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo