Ngân hàng chung tay cởi nút thắt về vốn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Khôi phục thông quan tại cặp chợ biên giới Tân Thanh - Pò Chài sớm hơn dự kiến / Kiểm tra, giám sát 60 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế trong hai ngày nghỉ lễ
Dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia chống chọi tốt với COVID-19, tác động của đại dịch toàn cầu này đến hoạt động kinh doanh là điều không thể tránh khỏi. Để cùng đồng hành, không để ai ở lại phía sau, Chính phủ đã liên tục có những quyết sách hỗ trợ, trong đó việc giải quyết "cơn đói" vốn cho các doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 01, Chỉ thị 02 để các hệ thống tài chính có cơ sở kịp thời thực hiện việc hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Điều dễ thấy là nếu không có sự hỗ trợ vốn, sự sụp đổ của các doanh nghiệp là câu chuyện trước mắt bởi không có hoạt động, không có doanh thu, công ty sẽ không có dòng tiền để xoay xở trong lúc này. Trước sự bức thiết đó, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đã chủ động vào cuộc chỉ đạo các ngân hàng thương mại liên tục cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay cho doanh nghiệp. Và điều đặc biệt là các gói tín dụng giá rẻ đến từ tiền của chính các ngân hàng thương mại, không lấy từ ngân sách Nhà Nước. Như vậy, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận gói giá rẻ này cũng phải đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu để ngân hàng có thể mạnh dạn cho vay.
Chỉ cần sự tin tưởng và chia sẻ đôi bên, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Và trong thời điểm dịch COVID-19 này, ngoài việc ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, điều quan trọng hơn là sự tiếp sức được kịp thời, nhanh chóng bằng cách đơn giản hóa về thủ tục. Tính đến nay, đã có hơn 500.000 tỷ đồng vốn đã được giải ngân cho vay mới và gần 950.000 tỷ đồng các khoản cho vay cũ được hạ lãi suất cho vay, con số này tương đương gần một nửa số dư nợ được xác định là chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà Nước đã chỉ đạo kiên quyết xử lý toàn bộ kiến nghị về khó khăn trong quá trình vay vốn, đồng thời tiếp tục kiện toàn lại bộ máy, đơn giản hóa quy trình để đáp ứng mục tiêu then chốt hàng đầu trong năm nay là tiếp vốn cho doanh nghiệp. Khi có kết quả kinh doanh, ngân hàng phải sử dụng để tăng trích lập dự phòng, trong đó hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế.
Cánh cửa đã rộng mở cho các doanh nghiệp để có thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Có thể thấy, Chính phủ hiện đang nỗ lực để khôi phục nhóm doanh nghiệp sản xuất bởi họ đang đứng ở hai ngả đường vừa không tìm được đầu ra, vừa không có vốn để hoạt động cho đầu vào. Việc còn lại là các doanh nghiệp phải tính toán vay vốn thế nào trong lúc này để có thể bổ sung nguồn vốn hiệu quả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo